Lại câu chuyện nới room ngoại

(KTSG) – Dường như nhà điều hành đang muốn tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược tái cấu trúc các ngân hàng trong nước, khi đề xuất nới room ngoại cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém – có thể sẽ được nới lên 49% thay vì 30% như hiện nay.

Sau khi bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC, VPBank đã quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,6% vốn điều lệ. Ảnh: LÊ VŨ

Những chuyển động

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (HOSE:VIB) mới đây đã lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, từ 20,5% lên 30%, đồng thời dự kiến đề xuất đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị chủ động quyết định các nội dung công việc về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 30% vốn điều lệ của VIB. Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ khoảng 20% cổ phần VIB từ năm 2010 đến nay.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam chủ yếu từ 15-20%. Do đó, động thái nới room ngoại của VIB ít nhiều gây chú ý. Điều này cho thấy chiến lược tăng vốn và huy động nguồn lực từ các định chế tài chính quốc tế vẫn là mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong thời gian tới, trong bối cảnh triển vọng thị trường chứng khoán vẫn khó khăn còn các ngân hàng luôn đứng trước áp lực phải tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới tiệm cận quốc tế.

Đơn cử như VPBank, sau khi bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC, đã quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,6% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện ngân hàng này cho biết sẽ sớm thực hiện trong năm 2023.

Đầu tư trực tiếp vào các TCTD yếu kém để tái cơ cấu có thể tiềm ẩn những rủi ro khó lường, còn việc đầu tư vào các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc – vốn đang hoạt động hiệu quả – sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tránh được những rủi ro và giảm bớt lo ngại. Do đó, việc gọi vốn trong trường hợp này xác suất thành công sẽ cao hơn.

Một diễn biến khác, Sacombank cũng đang có kế hoạch bán đấu giá 32,5% cổ phần STB của mình, hiện đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ tại VAMC, cho đối tác nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này khoảng 10.000 tỉ đồng, tương ứng mức giá chào bán khoảng 18.000-19.000 đồng/cổ phần.

Trong khi đó, nhà điều hành cũng đang muốn mở rộng điều kiện cho các ngân hàng nội thu hút vốn ngoại. Được biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3-1-2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Trong đó, nội dung đáng chú ý là bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6, điều 7 về “Tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài”. Cụ thể như sau:

“6a. Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc”.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 5, điều 7, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Như vậy, room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể sẽ được nới lên 49% thay vì 30% như hiện nay.

Tham gia tái cơ cấu?

Theo dự thảo sửa đổi nói trên của NHNN, có thể thấy dường như nhà điều hành đang muốn tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược tái cấu trúc các ngân hàng thương mại trong nước. Trong số các ngân hàng đã lên tiếng nhận chuyển giao bắt buộc gần đây, ngoại trừ Vietcombank do là TCTD có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, nên phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình đại hội đồng cổ đông thông qua, thì ba ngân hàng còn lại là MBBank, HDBank và VPBank sẽ có cơ hội nới room ngoại lên cao hơn.

Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại MBBank là 23,24%, tại HDBank là 18% và tại VPBank (kế hoạch) là 17,6%, còn cách khá xa so với mức đề xuất 49%. Rõ ràng nếu quy định này được thông qua, các ngân hàng này sẽ có thêm giải pháp huy động thêm nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế, phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đã nhận chuyển giao. Trong tương lai, nếu tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém dần phục hồi, các ngân hàng nhận chuyển giao cũng có thể từng bước thoái vốn hoặc hợp nhất luôn vào hoạt động của mình.

Đề xuất nới room ngoại nói trên được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Cần nhớ rằng trước đây nhà điều hành từng muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp tái cơ cấu các TCTD yếu kém tại Việt Nam. Như trường hợp của ngân hàng Xây dựng (CBBank), từng dành thời gian trao đổi với một nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên thương vụ đã không thành công. Cuối cùng, CBBank được chuyển giao cho một ngân hàng trong nước là Vietcombank.

Có thể thấy việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các TCTD yếu kém không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, với những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc lại là câu chuyện khác, khi đây đều là những ngân hàng hoạt động hiệu quả, quy mô lớn, tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn và luôn có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Nói cách khác, rót vốn trực tiếp vào các TCTD yếu kém để tái cơ cấu có thể tiềm ẩn những rủi ro khó lường, còn việc đầu tư vào các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tránh được những rủi ro và giảm bớt lo ngại. Do đó, việc gọi vốn trong trường hợp này xác suất thành công sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), trong năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1-8-2020), Việt Nam sẽ xem xét cho phép hai TCTD châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam. Nếu dự thảo nói trên được thông qua và trong trường hợp hai ngân hàng được nới room theo EVFTA không trùng với ba ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, số lượng ngân hàng đạt room ngoại 49% có thể lên tới năm ngân hàng.

Và con số này có thể sẽ chưa dừng lại ở đó. Hồi đầu năm nay, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) – cơ quan đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân đại diện của doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, đã lên tiếng khuyến khích thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để cho phép nhiều cổ phần ngoại quốc hơn trong các công ty niêm yết và chưa niêm yết, và tại các ngân hàng – hiện đang giới hạn ở mức 30%.