(KTSG Online) – Các cơ quan quản lý nên xây dựng chính sách thuế theo hướng khuyến khích, hỗ trợ người thu nhập cao, sử hữu nhiều tài sản và có khả năng làm giàu chính đáng mở rộng, phát triển sản xuất – kinh doanh. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giúp gia tăng thu nhập cho những người thu nhập thấp, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xã hội.
Cuộc trao đổi giữa KTSG Online và chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế – xã hội (MASSEI), bắt đầu từ câu chuyện chính quyền TPHCM gần đây đã đề xuất thí điểm đánh thuế việc sở hữu bất động thứ hai, với mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ và hạ giá nhà đất đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với định hướng xây dựng chính sách thuế liên quan đến tài sản theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan. Người đứng dầu ngành tài chính cũng lên kế hoạch điều chỉnh của một số sắc thuế trọng yếu như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Những chia sẻ của chuyên gia Đinh Tuấn Minh xoay quanh những chủ đề đang được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội: nên hay không thực hiện các giải pháp áp thuế với người có thu nhập cao; giải pháp xây dựng hệ thống thuế khoa học, khả thi để bảo đảm công bằng giữa các đối tượng chịu thuế và gia tăng đóng góp xã hội…
Khó áp dụng thuế tài sản vì thiếu cơ sở dữ liệu nền tảng
KTSG Online: Thuế tài sản được dự thảo và đề xuất từ rất nhiều năm trước, nhưng chưa thể triển khai trong thực tế. Yếu tố nào dẫn tới thực trạng này, thưa ông?
Ông Đinh Tuấn Minh: Cơ quan quản lý cơ bản mong muốn áp thuế với mọi hàng hoá, dịch vụ, nhưng thực mục tiêu này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xác định chính xác mức thuế và đối tượng chịu thuế nhằm bảo đảm tính khả thi và tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.
Với thuế tài sản, cơ quan quản lý từng nhiều lần đưa ra đề xuất nhưng chưa thể thực hiện vì khó khăn trong việc thống kê chính xác số lượng và giá trị tài sản của từng cá nhân.
Cụ thể, cần tổ chức thu nhập thông tin từ người dân và tạo điều kiện để người dân thực hiện đăng ký tài sản, kê khai biến động tài sản. Tuy nhiên, thực hiện việc này không dễ do mỗi người có thể sở hữu nhiều tài sản, phân bố rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Thậm chí, với những người sinh sống chung trên một mảnh đất hay ngôi nhà, cần thực hiện bóc tách, xác định mức sở hữu tài sản với mỗi người.
Ngoài ra, cơ quan xây dựng chính sách và đơn vị thực thi chính sách phải đặt ra các mức thuế; đánh giá giá trị của các tài sản theo vị trí địa lý; giá trị biến động của tài sản theo thị trường. Thực tế có những cá nhân ở khu vực nông thôn sở hữu diện tích nhà – đất rất lớn, nhưng giá trị những mảnh đất – ngôi đó nhà thấp hơn nhiều so với cá nhân sở hữu một ngôi nhà – mảnh đất với diện tích nhỏ tại thành phố lớn.
Vì vậy, việc xác định mức thuế và số thuế phải nộp sẽ phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người thực hiện thu thuế, rủi ro nhũng nhiễu người nộp thuế cũng dễ dàng phát sinh từ đây.
Nếu không thể giải quyết những vấn đề này thì khó có thể xây dựng được chính sách thuế tài sản hiệu lực và hiệu quả.
Ông có cho rằng việc thiếu sắc thuế tài sản là yếu tố khiến một lượng tiền đầu tư lớn chảy vào lĩnh vực bất động sản, làm gia tăng đầu cơ đất đai và tăng giá bất động sản?
Đầu cơ đất đai là vấn đề chung với những nền kinh tế đang phát triển, gồm Việt Nam – vốn đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Với Việt Nam, các yếu tố gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6-7% một năm và tâm lý kỳ vọng vào mức tăng trưởng kinh tế cao; vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản khiến nguồn cung sản phẩm hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng cao; thông tin quy hoạch cơ sở hạ tầng tại các địa phương đang được tập trung đầu tư – phát triển là cơ sở hình thành tâm lý găm, giữ, đầu tư, đầu cơ nhà và đất để kiếm lời của người dân, khiến giá trị hai sản phẩm này liên tục gia tăng theo từng năm.
Đầu cơ nhà – đất không hẳn là không tốt cho nền kinh tế vì dòng tiền đầu cơ đổ vào khu vực nào đó sẽ khiến một nguồn lực rất lớn ở khu vực đó trở nên có giá trị, tạo cơ hội cho những người dân có nhiều đất đai bán bớt để chuyển sang các mục đích sử dụng khác cấp thiết hơn như xây dựng nhà cửa, đầu tư vào việc học tập của con cái.
Để hạn chế tác động tiêu cực của đầu cơ nhà – đất, cần minh bạch thông tin về quy hoạch và mục đích sử dụng đất, thông tin dự án đầu tư, cũng như hỗ trợ tư vấn cho người dân địa phương biết cách sử dụng tiền bán đất một cách hợp lý hơn.
Vậy việc áp dụng thuế tài sản có góp phần chống bất bình đẳng giữa người có thu nhập thấp và thu nhập cao, hay hướng đến việc gia tăng đóng góp của người thu nhập cao cho xã hội?
Tôi cho rằng trước tiên cần phải lưu ý đến nguồn gốc tài sản của người thu nhập cao. Nếu họ làm giàu một cách chính đáng qua quá trình hoạt động kinh doanh, thì bản thân quá trình này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người nghèo.
Trong nền kinh tế thị trường, khi mọi thành tố đều phải tuân theo những quy luật khách quan theo cơ chế vận hành chung là cơ chế thị trường, tài sản của người thu nhập cao được phân phối theo 3 cách thay vì nằm cố định trong các bất động sản như thời phong kiến trước đây.
Thứ nhất, bên trong các đơn vị sản xuất – kinh doanh dưới dạng vốn, cổ phần. Lúc này, người hưởng lợi sẽ là người lao động. Bởi những người thu nhập cao – người chủ doanh nghiệp đã mang tài sản đầu tư vào các nhà máy, xí nghiệp, giúp năng suất lao động tăng lên. Khi năng suất lao động được tăng lên nhờ nguồn vốn hoặc tư liệu sản xuất là máy móc, thiết bị, thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng theo. Từ đó, đời sống của người lao động được nâng cao.
Ở các quốc gia phát triển, năng suất lao động của họ cao hơn Việt Nam hàng chục lần nhờ các chủ doanh nghiệp bỏ một lượng vốn lớn, đầu tư cho máy móc, thiết bị. Từ đó, có năng suất lao động cao hơn. Ví dụ, năng suất lao động của một người Singapore có thể gấp 20 lần một người Việt Nam chủ yếu bởi tài sản của người thu nhập cao đầu tư vào các cơ sở sản xuất – kinh doanh.
Thứ hai, những người thu nhập cao, thông qua chi tiêu, giúp cải thiện đời sống của những người nghèo, người thu nhập thấp theo hướng tốt hơn. Đa phần người thu nhập cao trong xã hội hiện đại lựa chọn chi tiêu cho các loại hình dịch vụ, hàng hóa xa xỉ phẩm. Theo đó, quá trình phân phối lại thu nhập sẽ diễn ra. Những người cung cấp dịch vụ, hàng hóa xa xỉ sẽ nhận được một số thu nhập từ chi tiêu của người thu nhập cao. Cách thức phân phối thu nhập thông qua cơ chế thị trường giống một dòng thác chảy từ trên cao xuống, thấm dần tới từng đối tượng, giúp những người thu nhập thấp có công ăn việc làm và cải thiện đời sống.
Thứ ba, hoạt động từ thiện. Đa phần người thu nhập cao, khi tài sản của họ không còn đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, sẽ được rút ra đưa vào các quỹ phát triển và tái phân phối cho những người yếu thế hơn trong xã hội. Điển hình là Bill Gates và Warren Buffet.
Nhìn một cách tổng quan, tài sản của người thu nhập cao thông qua các cơ chế thị trường và các hoạt động thiện nguyện đã được phân phối, giúp những người thu nhập thấp có cơ hội cải thiện đời sống. Chỉ một phần tài sản nhỏ được dành cho con cái thừa kế hay đầu tư vào bất động sản để sử dụng.
Hiện các tỉ phú đô la thường đầu tư vào bất động sản, xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng để kinh doanh. Tài sản thực tế họ sử dụng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với quy mô tổng tài sản.
Sự khác biệt giữa người làm giàu chính đáng và các đối tượng khác trong xã hội nằm ở năng lực quản lý, sử dụng tài sản vào các công việc hữu ích. Cụ thể, họ đáp ứng nhu cầu của số đông trong xã hội tốt hơn so với những người khác, nhờ vậy họ đạt được mức lợi nhuận tốt hơn.
Như vậy, trong hoạt động của thị trường, xuất hiện những người có năng khiếu quản trị kinh doanh, năng lực phân bổ tài sản hiệu quả và từ đó trở nên giàu có thì đây chính là quá trình hỗ trợ sự thăng tiến của xã hội nói chung. Tôi cho rằng, chênh lệch giàu nghèo giữa các đối tượng trong xã hội không phải yếu tố để tìm cách áp thuế hay phân chia thu nhập của họ cho những người có thu nhập thấp hơn.
Việc áp thuế nhiều hơn người thu nhập cao, theo quan điểm của ông, khó có thể đạt được mục tiêu gia tăng đóng góp của đối tượng này cho xã hội?
Có hai yếu tố khiến tôi lưu tâm. Thứ nhất, liên quan đến tài sản người thu nhập cao có được một cách không chính đáng.
Nhìn từ góc độ pháp lý, điều này có nghĩa quốc gia không xây dựng được những thể chế luật pháp khiến mọi người đều có cơ hội kinh doanh bình đẳng, được bảo vệ tài sản của mình và khiến họ buộc phải làm giàu chính đáng thay vì làm giàu bằng quan hệ thân hữu, gian lận. Lúc này, vấn đề không nằm ở việc phân chia tài sản, mà là làm thế nào để mọi người có được tài sản một các chính đáng, hiệu quả.
Thứ hai, làm sao để người thu nhập cao đầu tư tài sản của họ vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động cộng đồng thay vì để tài sản biểu hiện ở hình thái bất động sản, tài nguyên, vàng… những loại tài sản ít tạo ra công ăn việc làm, giá trị gia tăng khác?
Việc tái phân phối tài sản của người thu nhập cao thông qua các sắc thuế là một quá trình hành chính quan liêu. Trong đó, tiền thuế được nộp về ngân sách Nhà nước (NSNN), Nhà nước sẽ phân phối lại cho các đối tượng có thu nhập thấp hơn. Quá trình này tạo ra rất nhiều chi phí ma sát. Đồng thời, phát sinh bộ máy quan liêu, không hiệu quả do có nhiều tầng lớp phân phối trung gian. Đơn vị phụ trách phân bổ ngân sách sẽ phải tính toán nên phân bổ số tiền đó cho ai, bao nhiêu tiền? Cuối cùng, những người yếu thế trong xã hội sẽ chỉ nhận được một khoản tiền rất nhỏ trong tổng số tiền nêu trên. Đa phần bị rơi rớt cho các tầng lớp trung gian vì nhiều lý do khác nhau.
Đây là nghịch lý trong đề xuất đánh thuế người thu nhập cao.
Để chính sách thuế công bằng với tất cả người nộp thuế
KTSG Online: Tại Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, cơ quan quản lý đặt mục tiêu mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%, đồng thời nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình. Việc này sẽ khiến người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nhiều hơn người thu nhập cao?
Ông Đinh Tuấn Minh: Bản thân Chính phủ nếu có thể cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và tăng hiệu quả các khoản chi đầu tư, gánh nặng thu ngân sách sẽ giảm, gánh nặng trên vai người dân cũng sẽ giảm.
Vì vậy, trong câu chuyện này sẽ là việc lựa chọn sắc thuế hiệu quả hơn để áp dụng trong thực tế cuộc sống. Với thuế GTGT, nhiều ý kiến cho rằng sắc thuế này có tính lũy thoái, người nghèo hơn phải bỏ ra khoản chi tiêu nhiều hơn về mặt tỷ lệ. Nhưng đây chỉ là vấn đề xảy ra trong ngắn hạn.
Với người thu nhập thấp, sẽ xuất hiện sự điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng trong dài hạn. Cụ thể, việc tăng thuế GTGT khiến những người thu nhập thấp có xu hướng dịch chuyển sang tiêu dùng những hàng hóa thiết yếu, giá trị thấp hơn, đòi hỏi ít chi phí hơn. Qua đó, giảm chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ.
Việc này giúp họ giảm phần thuế phải đóng trên thu nhập, cải thiện phần tiền tiết kiệm của bản thân và gia tăng cơ hội đầu tư trong tương lai. Đây là hai một trong số những ưu điểm của thuế GTGT và các sắc thuế đánh vào hoạt động tiêu dùng là tăng tiết kiệm, tăng đầu tư.
Như vậy, tính lũy thoái của thuế GTGT với người thu nhập thấp không nhiều.
Với những người có thu nhập cao hơn, sẽ xuất hiện xu hướng dịch chuyển sang tiêu dùng hàng hóa xa xỉ. Cùng là gạo, trang phục, dịch vụ di chuyển, nhưng chi phí người thu nhập cao bỏ ra lớn hơn rất nhiều. Điều này giúp số tiền đóng góp cho NSNN qua thuế GTGT của người thu nhập cao lớn hơn.
Đây cũng là nguyên nhân nhiều quốc gia châu Âu, vốn là những quốc gia đứng đầu về bình đẳng thu nhập, luôn duy trì mức chịu thuế GTGT trên 20%.
Tóm lại, tôi cho rằng thuế GTGT là một lựa chọn tốt khi cân nhắc trên các đặc tính như dễ thu, chống trốn thuế, không phức tạp khi áp dụng. Bộ máy Nhà nước phục vụ thu thuế cũng nhỏ hơn.
Thay vì tìm kiếm giải pháp đối xử thuế công bằng ngay tức khắc, nên chăng Chính phủ cần cải thiện chính sách làm sao để người thu nhập cao muốn tự nguyện cống hiến nhiều hơn cho xã hội?
Người thu nhập cao, thông qua cơ chế thị trường, sẽ tạo ra những tác động mang tính cải thiện đời sống của người dân nói chung. Ở Việt Nam, điều này được thể hiện trong hơn 30 năm mở cửa kinh tế, phát triển kinh tế thị trường và tất cả mọi người, bao gồm người thu nhập thấp ít nhiều hưởng lợi từ quá trình này.
Vì vậy, chúng ta cần khuyến khích người thu nhập cao đầu tư nhiều tiền, tài sản hơn vào các hoạt động hữu ích như đầu tư kinh doanh, hoạt động từ thiện vì việc Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ người có khả năng làm giàu chính đáng sẽ gián tiếp tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho người thu nhập thấp, giúp họ cải thiện thu nhập và thoát nghèo.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc Nhà nước trực tiếp bỏ tiền xây dựng, cung cấp các dịch vụ công ích cho xã hội thoạt nhìn thì thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế lại không hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề, họ khuyến khích những người có năng lực quản trị và tài sản bỏ tiền xây dựng các hệ thống công ích như trường học, bệnh viện, cơ sở du lịch… giúp người dân địa phương thụ hưởng lợi ích gia tăng từ các dịch vụ công ích này.
Một số quốc gia thậm chí đã khuyến khích doanh nghiệp tư nhân thành lập các quỹ hỗ trợ cho các tổ chức phi Chính phủ (NGO), nhóm hoạt động xã hội trong việc hỗ trợ đối tượng yếu thế. Một số chương trình áo ấm mùa đông, cơm giá rẻ/miễn phí cho người nghèo đều bắt nguồn từ hoạt động của những nhóm, tổ chức này.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có hệ thống quy định đủ tốt để những người thu nhập cao sẵn sàng bỏ tiền thành lập quỹ, phục vụ hoạt động của những nhóm thiện nguyện, góp phần vào việc tái phân phối thu nhập, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế. Đây là yếu tố chúng ta cần cải thiện để người thu nhập cao có thể đầu tư tiền bạc một cách chính đáng cho những hoạt động như vậy.
Một số quốc gia thực hiện giảm thuế cho người thu nhập cao vì tin rằng điều đó giúp quốc gia thịnh vượng hơn thông qua việc người thu nhập cao sẽ chi tiêu, tạo việc làm cho những người nghèo và kéo cả xã hội cùng thịnh vượng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Bản chất câu chuyện giảm thuế hay không giảm thuế cho người thu nhập cao nằm ở loại thuế chúng ta lựa chọn. Phần đóng góp chủ yếu cho NSNN là thuế GTGT và các sắc thuế đánh vào hoạt động tiêu dùng. Tỷ trọng đóng góp của người thu nhập cao vào NSNN qua sắc thuế này là nhiều nhất.
Như vậy, chúng ta sẽ không phải tính toán tới phương án đánh thuế người thu nhập cao.
Một số quốc gia giảm thuế thu nhập cho người thu nhập cao bởi họ nhận thấy, số lượng người siêu giàu không nhiều. Còn lại là những người thu nhập cao ở mức vừa phải, từ 200.000 đến 1 triệu đô la Mỹ một năm.
Chính phủ sẽ khuyến khích đối tượng này tham gia hoạt động kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là cách gián tiếp khuyến khích sự phát triển của khu vực DNNVV nhờ những người có chuyên môn, kỹ năng, qua đó phát triển kinh tế. Đây là triết lý của các quốc gia thực hiện giảm thuế cho người thu nhập cao.
Mỹ và phần lớn các quốc gia châu Âu đều phân loại tài sản dưới dạng tài sản đầu tư (vốn), tức tài sản đưa vào sản xuất – kinh doanh, so với tài sản tiêu dùng lâu bền khác.
Với một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, người chủ doanh nghiệp thường sở hữu khoảng vài chục triệu cổ phiếu. Giá trị tài sản của họ phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá trị giao dịch của cổ phiếu, năm nay có thể là 5 triệu đô la, sang năm có thể lên tới 10 triệu đô la.
Với tài sản này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không đánh thuế phần tài sản chênh lệch phát sinh do biến động thị trường mà quản lý dòng thu nhập (Income – PV), dòng tiền (Cash flow – PV) của mỗi cá nhân. Người thụ hưởng lợi tức – những khoản lợi nhuận thu được khi đầu tư, kinh doanh, tiền lãi do cho vay hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, cổ tức từ đầu tư chứng khoán… sẽ phải khai báo với cơ quan quản lý.
Thực tế, nhập hàng năm của những người giàu thường chỉ ở mức vừa phải do các doanh nghiệp dùng phần lớn lợi nhuận để chi đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức quá nhiều, nên trong trường hợp đánh thuế quá cao sẽ gây ảnh hưởng tới những người làm chuyên môn, nắm giữ phần tài sản thấp hơn, nhưng có dòng thu nhập hàng năm ở mức cao.
Đa phần các quốc gia lựa chọn chỉ đánh thuế người thu nhập cao ở một ngưỡng nhất định nhằm khuyến khích đối tượng này phát triển. Ngoài ra, họ sẽ miễn giảm thuế cho người thu nhập cao nếu đối tượng này chi tiền cho hoạt động từ thiện, thay vì tập trung đánh thuế.
Qua ghi nhận của ông, các quốc gia trên thế giới hiện đang kiểm soát khoản thu nhập bất thường những khoản thu nhập ngoài lương ra sao?
Đây là vấn đề chung, không phải Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều gặp phải tình trạng trên.
Sau khi tài sản đã hình thành, thuộc sở hữu của một cá nhân, để tìm hiểu và chứng minh rõ nguồn gốc tài sản rất khó. Họ thường tìm biện pháp ngăn chặn nhiều hơn biện pháp kiểm tra, tịch thu. Cụ thể, các quốc gia sẽ xây dựng cơ chế giám sát, ngăn chặn quan hệ thân hữu giữa khối tư nhân với các quan chức trong bộ máy chính quyền với mục đích thụ hưởng ưu đãi.
Một biện pháp khác là giám sát dòng tiền, giảm thiểu tỷ lệ giao dịch tiền mặt. Đa số các hoạt động kinh doanh, chi tiêu, sử dụng tới một lượng tài sản lớn sẽ không được phép sử dụng tiền mặt nhằm hạn chế hành vi kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ bị cấm.
Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu chính sách, theo ông, hệ thống thuế nên được thiết kế ra sao nhằm gia tăng tính công bằng đối với các đối tượng trong xã hội?
Việc áp dụng thuế GTGT và các sắc thuế tiêu dùng với phần nhiều các mặt hàng sẽ bảo đảm công bằng và tốt hơn cho nền kinh tế. Các sắc thuế khác sẽ chỉ mang tính chất bổ sung và cần có sự giám sát về mức độ hiệu quả của các sắc thuế đó.
Với thuế tài sản, nên trao quyền cho chính quyền địa phương quyết định mức thuế và sử dụng tiền thuế chi cho phúc lợi địa phương nếu áp dụng.
Còn thuế TNDN sẽ nằm trong xu hướng giảm dần vì cần khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Khi TNDN giảm, thuế TNCN cũng phải giảm tương ứng để tránh rủi ro chủ doanh nghiệp chuyển phần chi phí của họ vào chi phí của doanh nghiệp để giảm phần thu nhập phải đóng thuế.
Ngoài ra, cần quan tâm tới những lao động có trình độ chuyên môn cao, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia nhưng chịu nhiều ảnh hưởng từ mức thuế TNCN cao. Họ sẽ có xu hướng tìm kiếm công việc tại một quốc gia khác có môi trường làm việc tốt hơn, mức thuế TNCN thấp hơn nếu không thể hợp pháp hóa thu nhập của mình.
Bên cạnh việc thiết kế lại hệ thống thuế, cần có sự độc lập ở một mức độ nhất định giữa hoạt động của Ngân hàng Trung ương và hoạt động chi tiêu của Chính phủ. Nếu không có yếu tố này, Chính phủ có thể có tác động làm tăng tỷ lệ lạm phát, khiến giá cả hàng hóa gia tăng khi cần tài trợ cho chi tiêu.
Thực tế ở các nền kinh tế phát triển cũng cho thấy Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều hoạt động tương đối độc lập so với Chính phủ với mục tiêu giữ lạm phát ở mức thấp. Đây cũng là yêu cầu quan trọng để nền kinh tế thị trường có thể vận hành hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!