(KTSG Online) – Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kiến nghị khi thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cơ quan thanh tra cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Ngày 30-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có cuộc giám sát về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo TTXVN, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã báo cáo đoàn công tác về các khoản kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế trên 3.461 tỉ đồng; cấp cho điều trị Covid-19 trên 133 tỉ đồng; cấp để xét nghiệm 1.577 tỉ đồng; kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung 341 tỉ đồng; chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch 324 tỉ đồng; công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch 2.420 tỉ đồng…
Ngoài ra, ngành y tế còn quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật quy đổi tương đương tiền như: trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và kinh phí khác 1.871 tỉ đồng.
Sở Y tế TPHCM cho biết việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn: hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh…
Do giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1-2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định; việc đi lại rất phức tạp. Thời điểm dịch bệnh, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ; rồi giá cả biến động rất nhanh, khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá cả đã giảm, nên các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo.
Bên cạnh đó, một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có tính đặc thù, không thông dụng, có những thiết bị chưa từng sử dụng, khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật. Các đơn vị phải tham khảo từ chuyên gia tuyến trên, hãng sản xuất, việc tìm hiểu thông tin về thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau là rất khó, trong khi thuốc, trang thiết bị phải đảm bảo có trong 24 giờ để chống dịch.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra, xác định nhiều sai phạm về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Sở Y tế TPHCM nêu thực trạng ban lãnh đạo các bệnh viện lớn ở TPHCM đều lo lắng, sợ bị quy kết sử dụng lãng phí tài sản công, hay đã làm đúng quy trình vẫn “có dấu hiệu vi phạm”… nên kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15.