Chứng khoán toàn cầu năm 2023 sẽ ra sao?

(KTSG) – Theo thống kê của Bloomberg, 18.000 tỉ đô la đã bị thổi bay khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022. Sắc đỏ liệu có lan sang năm 2023?

Chỉ số MSCI All-Country World Index đã mất khoảng 20% giá trị, đánh dấu năm tồi tệ nhất kể từ 2008.

Theo CNBC, với việc chỉ số S&P 500 ghi nhận mức sụt giảm hai con số lần thứ 6 trong vòng 45 năm qua, nhà đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu đã có một năm thua lỗ nghiêm trọng. Cả hai loại tài sản đều biến động mạnh và lao dốc, trong khi trái phiếu ghi nhận hiệu suất tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Sau một năm đầy khó khăn của thị trường chứng khoán, các chiến lược gia của Phố Wall kỳ vọng năm 2023 sẽ kết thúc tốt đẹp hơn nhiều. Lịch sử cho thấy, với các thị trường lớn, hai năm giảm điểm liên tiếp là chuyện rất hiếm khi xảy ra. Ví dụ như chỉ số S&P 500 chỉ ghi nhận bốn lần giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 1928. Tuy nhiên, điều đáng sợ là khi những quãng giảm hai năm liên tiếp như vậy diễn ra, sự sụt giảm trong năm thứ hai có xu hướng sâu hơn so với năm đầu tiên.

Jeff Kleintop, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab, nhận định: “Chúng tôi vẫn tin tưởng vào một năm 2023 tích cực, một năm có thể sẽ đi kèm với nhiều biến động trong những tháng đầu tiên”.

Ông Kleintop cũng cho biết những mối quan tâm hàng đầu của thị trường sẽ là nỗi lo suy thoái kinh tế, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Ông nói: “Tất cả những lực lượng đó sẽ khiến thị trường biến động ít nhất trong vài tháng đầu năm, đồng nghĩa với một chuyến đi gập ghềnh đối với các nhà đầu tư”.

Chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương

Theo các chuyên gia, một trong những rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán trong năm 2023 là chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

Theo Bloomberg, những nhà đầu tư lạc quan đều tin tưởng rằng mức đỉnh tăng lãi suất đang đến rất gần, có thể sớm nhất là vào tháng 3-2023, trong bối cảnh đà tăng lạm phát tại nhiều quốc gia đã có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, sau những biến động của năm 2022, làm bất ngờ cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhất, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường nên chuẩn bị sẵn sàng cho những diễn biến tương tự trong năm 2023. Việc lạm phát vẫn ở mức quá cao sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách chưa thể yên tâm cắt giảm lãi suất, ngay cả khi nền kinh tế liên tục suy yếu.

Christian Nolting, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Deutsche Bank Private Bank nhận định “các nhà hoạch định chính sách, ít nhất là ở Mỹ và châu Âu giờ đây dường như sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong năm 2023”.

Nỗi lo suy thoái kinh tế

Tại Phố Wall, hầu hết ý kiến đều cho rằng việc Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất sẽ góp phần đẩy nền kinh tế nhanh chóng rơi vào suy thoái. Mặc dù vậy, giới chuyên gia hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm bắt đầu, thời gian kéo dài và mức độ của cuộc suy thoái.

“Suy thoái rất có thể xảy ra trong năm nay. Đối với tôi, cuộc tranh luận sẽ chỉ là việc suy thoái nhẹ hay suy thoái sâu hơn mà thôi. Trớ trêu thay, tôi nghĩ rằng nếu suy thoái diễn ra sớm hơn, thì mức độ suy thoái có khả năng nhẹ hơn,” Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, cho biết.

Theo ông Chang, cuộc suy thoái nhiều khả năng sẽ chỉ ở mức độ nhẹ bởi người tiêu dùng đang ở trong tình trạng tốt, còn hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái vững mạnh và được điều tiết tốt.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi một điểm uốn trong thị trường việc làm, bởi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt có thể là chất xúc tác để Fed tạm dừng tăng lãi suất hoặc thậm chí bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ông Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America, dự báo, số việc làm sẽ thực sự giảm mạnh từ mùa hè tới.

Theo các chiến lược gia, suy thoái kinh tế có thể đẩy giá cổ phiếu xuống mức thấp mới trong giai đoạn đầu năm. “Thị trường không bao giờ tạo đáy trước khi kinh tế bắt đầu suy thoái”, chuyên gia Jimmy Chang nói. “Điều đó có nghĩa là mức đáy mới của chu kỳ vẫn còn ở phía trước. Tại một thời điểm nào đó, Fed sẽ đảo ngược chính sách, và điều này sẽ đánh dấu mức đáy của thị trường”.

Những rủi ro và thách thức từ Trung Quốc

Trong năm ngoái, chỉ số MSCI China Index đã lao dốc tới 24% khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì dịch bệnh và là một trong những nguyên nhân chính khiến chứng khoán toàn cầu đi xuống. Do vậy, việc Trung Quốc nhanh chóng loại bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt, và hướng tới mở cửa trở lại trong năm 2023, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình này được dự báo sẽ không hề dễ dàng. Theo Bloomberg, sau những hưng phấn ban đầu, đà phục hồi kéo dài một tháng qua của cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã quay đầu giảm điểm khi số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.

Chuyên gia Chang từ Rockefeller nhận định, vài tháng tới sẽ là quãng thời gian thử thách đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những tác động từ việc Trung Quốc mở cửa cũng được coi là con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế thế giới và là một ẩn số lớn đối với thị trường.

Theo chuyên gia Kleintop, một Trung Quốc đang phục hồi sẽ giúp ích cho các nền kinh tế và cả những doanh nghiệp đang hoạt động tại đó, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra những vấn đề khác. “Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại nhanh như thế nào? Tất nhiên, rất khó để xác định. Nước này đang đạt được nhiều tiến triển, nhưng số ca lây nhiễm mới cũng gia tăng rõ rệt”.

Cũng theo ông Kleintop, những kỳ vọng ban đầu về việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã kéo theo tâm lý phấn khích trên thị trường, nhưng mặt khác, điều này cũng có thể làm tăng chi phí hàng hóa và khiến cuộc chiến chống lạm phát của thế giới trở nên phức tạp hơn.

“Có một số công ty và cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ 1,4 tỉ người tiêu dùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát, và một nỗi thất vọng đối với các thị trường đang chứng kiến những dấu hiệu lạm phát đã đạt đỉnh. Mọi kỳ vọng về việc áp lực giá cả đang dần giảm xuống thực sự có thể bị phá vỡ khi Trung Quốc mở cửa trở lại”.

Triển vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023

Ngoại trừ một cuộc suy thoái sâu hơn dự kiến, hoặc một sự kiện bất ngờ, phần lớn các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng, thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 sẽ tốt hơn nửa đầu năm và hướng tới một kết quả tích cực hơn trong cả năm.

Theo ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư của BlackRock, sau khi gặp khó khăn trong giai đoạn đầu năm do lãi suất tiếp tục tăng cao hơn, thị trường sẽ bắt đầu cải thiện bởi lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm, khi lạm phát được kiềm chế.

Theo Julian Emanuel – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu, phái sinh và định lượng tại Evercore ISI, sau khi đã rơi xuống mức 3.839,5 điểm trong năm 2022, tương ứng với mức giảm 19,4% – kết quả tệ nhất kể từ năm 2008, chỉ số S&P 500 có thể hướng tới mức 4.150 điểm vào cuối năm 2023. Trong kịch bản khả quan nhất, chỉ số có thể đạt mức 4.600 điểm, nhưng đồng thời cũng có thể rơi xuống 2.450 điểm trong kịch bản tiêu cực nhất.

Tuy vậy, khả năng duy trì lợi nhuận ổn định của doanh nghiệp Mỹ nhiều khả năng sẽ không còn được duy trì khi ngày càng nhiều áp lực đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận và nhu cầu của người tiêu dùng.

Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng Morgan Stanley, dự đoán thu nhập trung bình của tất cả các công ty trong nhóm chỉ số S&P 500 là 180 đô la trên mỗi cổ phiếu trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 231 đô la/cổ phiếu của các nhà phân tích khác.

“Đợt sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới có thể sánh ngang với hồi năm 2008, nhưng thị trường vẫn chưa tính tới điều đó”, ông Wilson cảnh báo.

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều bất ổn, sau khi đã lao dốc tới 35% trong năm 2022. Theo Bloomberg, các cổ phiếu công nghệ được định giá cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi lãi suất tăng. Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu cũng có nguy cơ tác động đến nhu cầu iPhone của Apple, trong khi đà sụt giảm chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến có thể khiến cổ phiếu của Meta và Alphabet suy giảm hơn nữa.

Nguồn: CNBC, Bloomberg, Reuters