“Thanh Sói” có thể “ngã ngựa” bất ngờ, nhưng Ngô Thanh Vân vẫn là một “con sói” kiên cường và bản lĩnh trên hành trình đơn độc mà cô tự xác lập cho mình, từ khi được mệnh danh là một “đả nữ” của điện ảnh Việt.
“Đả nữ” đầu tiên của điện ảnh Việt
Có lẽ phải đến khi Ngô Thanh Vân xuất hiện đầy ấn tượng trong bộ phim hành động “Dòng máu anh hùng” vào năm 2007, cô mới thật sự gây chú ý, cho dù trước đó, Vân đã hoạt động rất năng nổ trong showbiz Việt với hình mẫu một ngôi sao giải trí đa năng.
Bộ phim hành động dã sử của anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn thực sự là một cột mốc của điện ảnh Việt ở thời điểm đó, với chất lượng ngang tầm những bộ phim hành động quốc tế cho dù nó không thành công tại phòng vé. Ngô Thanh Vân tỏa sáng với vai Thanh Thúy, một vai diễn mà cô phô diễn được cả khả năng võ thuật lẫn diễn xuất tâm lý. Những cảnh hành động mãn nhãn và kích thích adrenaline giữa Ngô Thanh Vân với Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn cho thấy cô hoàn toàn trở thành một ngôi sao phim hành động, hay nói chính xác hơn, là một “đả nữ” đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Vai diễn này cũng giúp cô nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn khi nhận được giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 15.
Danh xưng “đả nữ” cũng gắn liền với Ngô Thanh Vân từ bộ phim đó, được cô tiếp nối qua bộ phim “Bẫy rồng” của đạo diễn Lê Thanh Sơn được thực hiện sau đó 2 năm. Thế nhưng, do dòng phim hành động chưa thực sự có “đất sống” trong một thị trường điện ảnh chỉ chuộng phim hài và tình cảm gia đình, Ngô Thanh Vân tạm gác giấc mơ “đả nữ”, trở thành một nhà sản xuất để biến những khát vọng điện ảnh của mình thành hiện thực. Studio 68 – hãng phim độc lập dưới “trướng” của Ngô Thanh Vân bắt đầu tả xung hữu đột trong thị trường phim Việt vừa đầy tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro trên hành trình chinh phục thị hiếu khán giả.
Tham vọng khai thác những chất liệu văn hóa Việt Nam làm nền tảng cho các bộ phim đậm chất giải trí, Ngô Thanh Vân đã gặt hái được những thành công bất ngờ nhưng cũng không ít thất bại. “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn” trở thành “hit” tại phòng vé nhưng “Về quê ăn Tết”, “Trạng Tí” cũng gặp thất bại nặng nề. Bên cạnh những bộ phim giải trí, Studio 68 của Ngô Thanh Vân cũng là nơi sản xuất bộ phim nghệ thuật “Song Lang” nhận được hàng chục giải thưởng quốc tế.
Và bên cạnh một nhà sản xuất giàu tham vọng, cô cũng gặt hái được những thành công nhất định trên thị trường quốc tế khi xuất hiện trong nhiều dự án lớn của Hollywood, dù với những vai diễn khá khiêm tốn. Việc xuất hiện trong những bộ phim bom tấn như “Crouching Tiger, Hidden Dragon: Sword of Destiny”, “Star Wars: The Last Jedi”, “Bright”, “The Old Guard”, “The Princess”, “The Old Guard 2”… cho thấy cô là diễn viên Việt Nam hiếm hoi được các nhà sản xuất của Hollywood trọng dụng. Còn với Ngô Thanh Vân, cô từng thừa nhận rằng cho dù các vai diễn của cô trong các phim Hollywood còn khá nhiêm nhường, nhưng đó là những cơ hội rất lớn để cô có thể học hỏi từ các bộ phim bom tấn về sản xuất ngay từ trên trường quay để mang về áp dụng tại Việt Nam.
Sự học hỏi ấy đã được Vân áp dụng vào “Hai Phượng”, một bộ phim hành động mang phong cách Hollywood nhưng lại đậm chất Việt trong thiết kế bối cảnh, trang phục và những chất liệu Việt Nam. Bộ phim võ thuật với một câu chuyện đơn giản: hành trình đi tìm con của một người mẹ nông thôn Việt Nam nhưng chinh phục khán giả bằng những màn võ thuật cận chiến đẹp mắt. Hình ảnh của một “đả nữ” được Ngô Thanh Vân xây dựng từ “Dòng máu anh hùng” và “Bẫy rồng” được nâng cấp với một phiên bản thuần Việt hơn nhưng cũng mạnh mẽ và dữ dội hơn. Không chỉ lập kỷ lục tại phòng vé Việt Nam, “Hai Phượng” cũng gây ấn tượng với giới phê bình khi được trình chiếu tại Mỹ với 95% điểm “tươi” trên trang RottenTomatoes. Một số nhà phê bình điện ảnh tại Mỹ so sánh “Hai Phượng” với “John Wick”, “Atomic Blonde” của những ngôi sao hàng đầu Hollywood như Keanu Reeves, Charlize Theron và gọi Ngô Thanh Vân là “làn gió mới của dòng phim hành động đến từ châu Á”.
“Con sói” đơn độc và dũng cảm
Một năm sau thành công của “Hai Phượng”, Ngô Thanh Vân bắt tay thực hiện “Thanh Sói” và như cô nói, dồn 200% tâm huyết và sức lực cho bộ phim hành động mà cô thừa nhận là “cuối cùng” của mình. Với “Thanh Sói”, bộ phim được xem là “tiền truyện” của Hai Phượng với nhân vật “phản anh hùng” Thanh Sói, Ngô Thanh Vân chuyển bối cảnh sang thập niên 90 và tuyển chọn một dàn “đả nữ” kiểu mới với 3 gương mặt triển vọng: Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên và Rima Thanh Vy bên cạnh các diễn viên nam như Thuận Nguyễn, Song Luân, Gia Nguyễn và Phan Thanh Hiển.
Quyết tâm xây dựng một thế hệ diễn viên hành động mới cho điện ảnh Việt Nam, Ngô Thanh Vân thực hiện quá trình casting diễn viên gắt gao và mời những đạo diễn hành động hàng đầu của Hollywood về Việt Nam để có những phân cảnh võ thuật ngoạn mục nhất. Vân cũng đầu tư hơn hẳn cho thiết kế bối cảnh, trang phục và đặc biệt là những góc máy ấn tượng cho bộ phim. Cho dù gặp một số hạn chế về kịch bản và phát triển tâm lý nhân vật, “Thanh Sói” hoàn toàn là một bộ phim hành động giải trí hấp dẫn và xứng đáng kế thừa người tiền nhiệm của nó là “Hai Phượng” về mặt chất lượng.
Đáng tiếc, mọi nỗ lực của Ngô Thanh Vân cho “Thanh Sói” đã không nhận lại được kết quả xứng đáng. Sau hai năm vì đại dịch và gặp nhiều khó khăn trong kiểm duyệt buộc phải dời lịch phát hành nhiều lần, cuối cùng “Thanh Sói” chọn thời điểm phát hành cuối năm và bị “siêu bom tấn” của Hollywood là “Avatar: The Way of Water” đè bẹp. Có lẽ chiến lược phát hành sai lầm đã khiến “Thanh Sói” phải nhận một cái kết đắng.
Có thể giấc mơ về một dòng phim hành động “chất lượng cao” thuần Việt và xây dựng một dàn “đả nữ” mới của Ngô Thanh Vân đã không thành công như kỳ vọng, nhưng cô vẫn xứng đáng được tôn trọng với hành trình đơn độc của mình trong khi hầu hết các đạo diễn “phái mạnh” đã bỏ cuộc từ lâu với dòng phim quá nhiều mạo hiểm này.
Giám đốc sáng tạo: Hà Đỗ – Sản xuất: Hellos.
Nhiếp ảnh: Tang Tang – Trang điểm: Nam Trung
Stylist: Tô Quốc Sơn – Làm tóc: Sasa Nguyễn
Làm móng tay: Aya Helen’s – Dựng cảnh: Nina Nguyễn
Trợ lý GĐST: Chí Văn – Trợ lý trang điểm: Nguyệt Đào
Trợ lý stylist: Phong Cao – Trợ lý dựng bối cảnh: Khánh Linh
Trợ lý nhiếp ảnh: Tuấn Trần, Đại Lộc, Như Ý, Dương Khiết
Trang phục: Công Trí
Phụ kiện: Công Trí, Cao Fine Jewellery
Địa điểm: Y Lounge – Sun Life Vietnam