(KTSG) – 1. Năm nay, Giải thưởng chính của VinFuture 2022 trị giá 3 triệu đô la Mỹ dành cho các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ toàn cầu. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất vào năm 2021), Quỹ VinFuture tôn vinh các nhà khoa học có những đóng góp xuất sắc trong sứ mệnh phụng sự nhân loại.
Có 5 nhà khoa học được trao giải thưởng chính gồm Timothy John Bernes-Lee, Robert Elliot Kahn, Vinton Gray Cerf, David Neil Payne và Emmanuel Desurvire, vì đã có những công trình nghiên cứu nhằm đưa Internet và mạng lưới toàn cầu phục vụ cuộc sống con người.
Qua giải thưởng VinFuture của Vingroup – một công ty Việt Nam, người ta có quyền kỳ vọng một ngày nào đó trong tương lai không xa sẽ có các nhà khoa học Việt Nam, bao gồm những nhà khoa học trẻ, vinh dự cùng các nhà khoa học năm châu bốn biển nhận giải thưởng này. Để điều đó trở thành hiện thực, rất cần sự vun trồng từ gia đình, trong nhà trường (các cấp) và cả xã hội.
Dạy trẻ học làm người, một khi được “phủ kín, chuyên sâu” và phù hợp với hoàn cảnh và năng lực bản thân thì chắc chắn trong “bó đũa” sẽ có những cá thể vươn cao vượt trội.
2. Bản tin Tuổi Trẻ (22-12) cho biết tại hội nghị giao ban chủ quản nhà xuất bản năm 2022 ngày 21-12 ở Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị tăng mức chi ngân sách cho Giải thưởng Sách Quốc gia lên 3 tỉ đồng/năm. Nhưng nếu chia thưởng ra cho rất nhiều thể loại, thì xem chừng mức tiền thưởng ấy cũng còn khiêm tốn.
Tất nhiên, “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”, nhưng “có thực mới vực được đạo”.
Dạy học đã qua 40 năm, tôi chưa từng nghe sách giáo khoa (bậc phổ thông) được khen thưởng, tuy cũng từng có những cuốn sách viết gọn, hay, dễ học, thuận cho giáo viên sử dụng. Mở rộng hơn, sách viết về giáo dục trên các lĩnh vực khác của cuộc sống, nếu có một tầm nhìn như Giải thưởng VinFuture thì hy vọng sẽ kích thích cả phía tác giả lẫn độc giả.
Ở đây, sự so sánh với giải thưởng VinFuture chỉ là tiếp cận ý tưởng, còn việc xem xét, thực hiện thì còn phải phụ thuộc đặc điểm, quy mô, mục tiêu, để đầu tư tương xứng.
Nhớ lại Hội nghị “5 năm thực hiện Quyết định 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam” hồi tháng 4-2019, số liệu từ hội nghị cho biết mỗi người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Đây là tỷ lệ rất thấp trên thế giới.
Nếu đem so sánh với Malaysia cũng đã thấy trung bình một người Malaysia thụ hưởng 12 cuốn sách/năm, tức gấp bốn lần người Việt chúng ta. Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy 26% người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách (Thanh Niên, 18-4-2019).
Cho đến cách đây ít tuần, tôi quan sát hàng trăm khách tại một sân bay trong nước khi một chuyến bay tới trễ, chỉ có lác đác vài người chọn đọc sách khi ngồi chờ. Văn hóa đọc, nếu bị mai một thì cái gốc con người và đất nước e cũng lung lay. Chấn hưng văn hóa đọc đã được nói đến, nhưng cần phải kiên trì hành động cùng những cách thức quyết liệt, đột phá.
3. Mấy ngày qua, dư luận lại xôn xao chuyện một trường đại học dựng áp phích chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày hội quốc phòng toàn dân, và ngày Hà Nội chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, nhưng lại in hình… quốc kỳ Trung Quốc.
Còn cơ sở tại Lâm Đồng của một trường đại học khác cũng giăng banner quảng bá một cuộc thi online về ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam lại in hình một người lính Mỹ. Vụ việc đang được cơ quan hữu trách xác minh.
Tôi trầm ngâm nghĩ về những chuyện này, liệu chúng có liên quan thế nào đến giáo dục, dạy học và cả sự mai một văn hóa đọc? Phải chăng đó là hậu quả của những tháng năm dài trong “nếp” dạy sáo rỗng và… lười đọc sách, khiến con người mơ hồ, chủ quan, kém cỏi.
Và những kết quả tồi tệ đã hiển hiện khi người ta quen tay nhấp “chuột” một cách vội vã: “cái gì không biết thì tra Google”?
Sự thay đổi của chính mỗi người: đúng, nhưng chỉ đủ khi có tác động từ sự quản lý bằng chủ trương, chính sách, kế hoạch triển khai, giám sát, kiểm tra. Hành trình đó phải luôn hài hòa các trạng thái: kinh tế và văn hóa, hợp tác và sẻ chia, hội nhập và phát triển, đầu tư cho con người – vì những con người tử tế.