Nức tiếng với đặc sản trầu không tiến vua, những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2023, người dân ở thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hối hả thu hoạch kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Cả dòng họ sống khỏe nhờ trồng trầu tiến vua
Hàng trăm năm trước, làng Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) đã được biết đến là vùng trồng trầu không nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Đây cũng là một trong những làng trồng trầu hiếm hoi được công nhận là nghề truyền thống.
Hiện nay toàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 100 hộ dân trồng trầu “tiến vua”, phần lớn là người dòng họ Phạm Công. Theo truyền thuyết của dòng tộc họ Phạm Công, trước đây trầu của tổ tiên trồng được sử dụng để dâng lên vua, nên được mọi người gọi là trầu của vua hay còn gọi là trầu “tiến vua”. Từ những câu chuyện được lưu truyền về loại trầu này, vào mỗi dịp Tết mọi người thường săn mua cho kỳ được để làm đồ lễ ngày Tết. Cũng vì thế, những ngày cận Tết làng Văn Sơn lúc nào cũng nhộn nhịp người bán, kẻ mua.
Thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ xưa đã nổi tiếng với đặc sản trầu không “tiến vua”.
Bằng những bí quyết riêng, được lưu truyền, trầu “tiến vua” được các con, cháu dòng họ Phạm Công gìn giữ từ đời này sang đời khác. Nhờ trồng trầu không mà người dân nơi đây có thu nhập khá, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học. Cây trầu không đang được người dân, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, mở rộng quy mô và diện tích.
So với các loại trầu không khác, trầu không “tiến vua” ở thôn Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì đặc điểm riêng này, trầu không tiến vua luôn được thượng khách săn đón, nhất là những ngày lễ, tết.
Là hậu duệ của dòng họ Phạm Công nối nghiệp nghề trồng trầu, ông Phạm Công Nhứ (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) chia sẻ: “Tôi sinh ra đã thấy các cụ trồng, sinh sống bằng nghề trồng lá trầu tiến vua. Gia đình tôi trồng trầu từ năm 1981, đến nay có 360 gốc trầu trên diện tích 200m2”.
Theo ông Nhứ, trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng xấp, mỗi xấp 50 lá, ngày thường chỉ có giá 5.000-7.000 đồng/xấp, còn dịp Tết, ngày lễ có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Thậm chí những lúc khan hiếm hàng, giá trầu có thể lên đến 2.000 đồng/lá.
Ông Phạm Công Nhớ tự hào bên danh hiệu “Làng nghề truyền thống”
Cách vườn trầu nhà ông Nhứ không xa, bà Phan Thị Lý (57 tuổi) cũng là con dâu dòng họ Phạm Công, nối nghiệp trồng và chăm sóc trầu không đã gần 30 năm. Cầm nắm trầu không trên tay, bà Lý cho biết, hôm nay đã hoàn thành hơn 10 đơn hàng cho thương lái. “Từ ngày 20 đến khoảng 29 Tết là thời điểm trầu có giá cao nhất. Với gần 1.000 gốc trầu không, mỗi ngày tôi có thể hái khoảng 2.000 lá nhưng không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu”.
Theo kinh nghiệm của người dân trồng trầu, để có những lá trầu đảm bảo chất lượng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Khi hái lá trầu người dân không sử dụng dao hay kéo mà trực tiếp dùng móng tay bấm vào cuống lá. Cuống lá được giữ lại dài khoảng 2-3 cm. Người dân làng Văn Sơn thường ủ lá cây khô dưới gốc trầu để tạo độ ẩm, giữ nước cho cây. Giàn trầu không chỉ được làm bằng tre, cây gỗ chứ không sử dụng cột bê tông như những loài cây leo khác. Mỗi giàn trầu không cao từ 2-4m.
Mong chờ một cái tết đủ đầy
Mặc dù cây trầu cho thu hoạch quanh năm, song tháng Chạp vẫn là thời điểm được bà con trồng trầu ở thôn Văn Sơn mong chờ, bước vào giai đoạn thu hoạch trầu lá để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Thôn Văn Sơn những ngày này, trên ngõ xóm, đường làng tiểu thương nườm nượp đến đặt trầu, lấy hàng. Chị Nguyễn Thị Hà – chuyên kinh doanh trầu cau tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng vì thế được khách hàng ưa chuộng. Tết đến nhu cầu trầu tăng cao, tôi đã liên hệ vài chủ vườn để nhập hàng cung ứng cho Nhân dân”.
Bà Phạm Thị Lý (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) còn gần 1 tháng nữa mới đến tết nhưng giá trầu không đã có xu hướng tăng
Theo các hộ trồng trầu không, những tháng giáp Tết thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và ít bị bệnh nấm lá. So với những loại cây trồng khác thì cây trầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.
Không khí sôi động nhất của mùa vụ trầu Tết là từ ngày 24-28 Tết. Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, có hàng chục thương lái ở khắp các tỉnh Miền Trung tìm đến Văn Sơn mua trầu. Những năm gần đây, thị trường và thương lái của “trầu tiến vua” không ngừng được mở rộng. Cũng vì thế mà người dân ở làng Văn Sơn và vùng phụ cận đã chủ động trồng xen kẽ giữa lớp trầu lâu năm lẫn trầu tơ để tăng sản lượng lá trầu.
Mong chờ một mùa vụ bội thu, bà Nguyễn Thị Liêu (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) chia sẻ: “Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này giá trầu đã có dấu hiệu tăng. Hi vọng năm nay giá trầu không sẽ tang cao, để chúng tôi có một cái tết đủ đầy hơn”.
Với đặc điểm lá trầu dày, giòn và thơm, có vị cay nồng đã tạo nên thương hiệu cho trầu không tiến vua
Cùng tâm trạng phấn khởi như bà Liêu, ông Phạm Công Nhứ phấn khởi nói: “Từ ngày 20 đến khoảng 29 Tết là thời điểm trầu có giá cao nhất. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, chúng tôi có thể thu về từ 1,6 triệu – 2 triệu/ngày”.
Trao đổi với phóng viên chị Nguyễn Thị Hoài Thương – Chủ tịch Hội LHPN xã Đỉnh Bàn cho biết: “Thôn Văn Sơn có truyền thống trồng trầu từ lâu đời tuy nhiên vẫn còn manh mún, hộ gia đình. So với những loại cây trồng khác thì cây trầu không chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Năm 2021, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển loại cây này, Hội LHPN xã đã thành lập tổ hợp tác trồng trầu tiến vua với 30 thành viên. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, bà con đã dần chuyên nghiệp hóa quy trình trồng trầu, giải quyết việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ và người già”.
Quỳnh Nga