Tôi là ai! – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Sau nhiều năm bôn ba xứ người, khi về hưu sống ở Hà Nội tôi hay về quê ăn Tết như bao người có quê. Nhưng ở tuổi mà cha mẹ đã khuất bóng, anh chị em cũng già hết rồi, bạn học có người đã lẫn, chả còn ai đưa đón như thuở tóc còn xanh, tôi chợt nhận ra, mình đi về đâu vậy?

Nhà bỏ không, anh chị em có phận riêng, nơi từng là chốn vui buồn xưa không phải là “nhà” của mình nữa vì “nhà” phải là nơi bạn cảm thấy an toàn, thoải mái, và quan trọng nhất là được đón nhận và yêu thương, dù bao năm xa nhà, tôi luôn tìm cách về quê mỗi khi có dịp vì đã từng sợ chả còn một chốn đi về.

Có trò chơi chữ tiếng Anh và tiếng Việt rất vui: Ai (I) là tôi và tôi cũng là ai (I). “Tôi là ai?” là câu hỏi khi một đứa trẻ tuổi teen bắt đầu tìm hiểu về bản thân mình. Bước sang tuổi cổ lai hy tôi cũng thấy khó trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” như các cháu teen băn khoăn về danh tính.

Nhớ cậu con trai hồi 12 tuổi lúc còn đi học ở Arlington (Virginia, Mỹ) một hôm bỗng đột ngột hỏi tôi “Tại sao bố mẹ sinh con ra không phải da trắng?”, câu hỏi làm tôi lặng người. Vừa xảy ra chuyện phân biệt màu da gì trong lớp học của cháu? Hay đó đơn thuần chỉ là câu hỏi của một đứa trẻ đang tự tìm danh tính “Tôi là ai?” trong một đất nước 50 bang đa dạng sắc tộc này.

Theo số liệu năm 2020, 50 bang của Mỹ có gần 60% là dân da trắng, 18,7% Latinh, da màu gốc châu Phi mà tổ tiên họ đến nước Mỹ bằng con đường làm nô lệ chiếm 12,1%. Dân gốc Á chiếm 6%. Chỉ còn lại 1% là người da đỏ tổ tiên của nước Mỹ ngày nay.

Câu hỏi của con trai thật đáng để trao đổi. Tôi ngẫm nghĩ vài ngày mới tỉ tê với con về chuyện màu da. Bố mẹ Việt thì sinh con nòi giống Việt, không thể sinh ra con da màu hay da trắng. Hai vợ chồng da vàng mà có con da đen thì khó tin. Các kiến thức trong lớp sinh học chắc giúp con hiểu rõ điều đó. Nếu sau này lớn lên mà lấy một cô đầm da trắng mắt xanh thì con của con sẽ có da trắng hơn đấy. Thế là cu cậu cười bẽn lẽn mà không thắc mắc thêm gì.

Rồi tôi bảo, nếu con về Hà Nội đi xem bóng đá trên sân Mỹ Đình vào một chiều thu đẹp trời, con sẽ thấy trên sân toàn chỉ toàn một màu tóc đen. Điều này cũng đúng với người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào hay Campuchia. Đó là do người Việt ít lai ngoại. Nhưng trên sân bóng bầu dục Mỹ thì con sẽ thấy cầu thủ đủ màu da và khán giả đủ màu tóc.

Họ đại diện cho hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ từ khắp nơi đến đây. Mỗi người trên sân hiểu khái niệm “người Mỹ” theo cách riêng của họ bởi vì công dân Mỹ đến từ khắp thế giới. Họ cũng có niềm tin, tôn giáo, văn hóa, chủng tộc và địa lý khác nhau. Nói người da trắng mới là người Mỹ thì không chính xác.

Là quốc gia đồng nhất về sắc dân và văn hóa, người Nhật lấy truyền thống trên dưới, tôn ti trật tự và kỷ luật lao động cho phát triển. Gia đình là tổ ấm, vai trò nam nữ ấn định rõ ràng. Nam giới hướng ngoại (soto no), nữ giới hướng nội (uchi no).

Cách cúi chào bằng cách gập người xuống và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội, một dấu hiệu để tỏ lộ sự kính trọng. Nhưng họ lại dung hòa được với nền dân chủ văn minh và tự do báo chí khi sang Mỹ định cư, sẽ không tuyệt đối coi trọng cách cúi chào kiểu Nhật hay truyền thống phụ nữ lấy chồng xong ở nhà làm nội trợ.

Với đất nước đa sắc tộc, người Mỹ lấy yếu tố cá nhân làm chủ đạo trong phát triển xã hội, dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, có báo chí là quyền lực thứ tư để giám sát xã hội. Quyền con người được tôn trọng, nam nữ bình đẳng hơn so với truyền thống Nhật. Họ dùng các lát cắt rõ ràng để ra các định chế bởi mỗi sắc tộc có đặc tính riêng nhưng vẫn phải tuân thủ nền tảng pháp luật phổ quát cho mọi sắc tộc.

Tôi dặn con, Mỹ từng là, đang là và sẽ là quốc gia của người nhập cư và con là một trong số đó. Những người nhập cư đầu tiên đến Mỹ khoảng 20.000 năm trước đây qua eo biển Bering vào Alaska và giờ đây vẫn thế, hàng triệu người vẫn đang nhập cư vào đất nước này vì mơ đến một miền đất hứa.

Đến bảo tàng người nhập cư ở New York sẽ thấy thông tin trưng bày của một số người họ Nguyễn, những người Việt đầu tiên đặt chân hội nhập với xứ cờ hoa cách đây mấy trăm năm. Bố mẹ cho con và em sang đây cũng là dân nhập cư.

Chính người nhập cư thay đổi nước Mỹ và nước Mỹ cũng thay đổi người nhập cư. Người đến từ Trung Quốc, có thẻ xanh, có quốc tịch Mỹ, là người Mỹ gốc Hoa, nhưng sống trong môi trường Mỹ họ phải Mỹ mới tồn tại được, từ luật pháp, truyền thống văn hóa, thói quen Hoa đều phải thay đổi như dân ta nói nhập gia tùy tục, hiểu như thế rồi thì sống ở đâu cũng được.

Nước Mỹ thay đổi thế giới cũng vì điều này, do người Mỹ gốc Việt như con quay về cố hương sẽ mang giá trị Mỹ theo dù nhiều hay ít, dù chỉ là không xả rác, không nhổ bậy, không vượt đèn đỏ, xa hơn là thích McDonald’s, Coke, Hollywood hay Starbucks coffee chưa kể Mac Book hay iPhone đời mới.

Người ta gọi đó là sức mạnh mềm vừa tạo ra bản sắc cá nhân nhưng cũng hòa nhập với các dân tộc khác và lan tỏa, sợ thì bảo hòa tan chứ thực ra kiên định thì ai hòa tan được mình, không thể mất danh tính.

Người nhập cư yêu quốc gia mới định cư và yêu cả cố hương cũng chả ai cấm. Giống như con và em yêu cả bố lẫn mẹ, như người Mỹ gốc Việt yêu nước Mỹ và thương cả nơi chôn rau cắt rốn ở Hoa Lư.

Sự đa dạng chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, về địa lý, về nguồn gốc tạo nên nước Mỹ đấy, con không nên sợ mình có da vàng, nếu mình giỏi hơn người sẽ được quý mến, ai chả thích người chiến thắng, còn thất bại thì khó được thương dù là Mỹ trắng 100%.

Con sang Mỹ lúc 3 tuổi còn bập bẹ tiếng Việt, cãi bà, cãi bố mẹ đôm đốp. Nhưng sáu tháng sau khi được hỏi tiếng Việt con đã trả lời tiếng Anh. Tới cấp 3 con còn yêu cầu bố mẹ đừng nói tiếng Việt trước mặt các bạn. Giờ con thành ông Mỹ con, trông bề ngoài chả khác gì thanh niên Hà Nội nhưng đi taxi từ Bờ Hồ về nhà phải ậm ọe mãi mới nói được địa chỉ.

Tôi trêu, các con là thuộc dân Cộng hòa chuối (Banana Republic) vì bề ngoài da vàng nhưng bên trong thì trắng đặc Mỹ tới 99%, còn mỗi câu “Con chào bố” là thuần Việt, nhưng các con thích ăn bánh chưng, mê phở, thích bún mẹ nấu là ổn rồi, là biết mình là ai.

Hồi mới sang Mỹ thấy bán quần áo mác Banana Republic tôi không hiểu lắm. Sau mới hiểu là “Cộng hòa chuối” là một thuật ngữ chính trị mang thái độ miệt thị đối với nền độc tài chuyên xúi giục và ủng hộ cho văn hóa lót tay, đưa hối lộ, sự bóc lột các đồn điền nông nghiệp diện rộng, đặc biệt là trong khai thác chuối tại Mỹ Latinh. Các con không phải từ “Cộng hòa chuối” nhưng vẫn “chuối” một chút, vàng vỏ trắng lòng.

Lớn lên ở Mỹ, hành trình đi tìm “Tôi là ai” của các con của tôi trong thế giới này sẽ gặp nhiều gian nan như hàng trăm triệu người khác tới Mỹ và các quốc gia khác để nhập cư trong mấy thế kỷ qua. Chả lẽ nói tôi là người Mỹ, Pháp hay Anh thì phải thêm gốc gì mới rõ, Anh Ấn, Mỹ Hoa, Pháp Việt hay Úc Phi. Vì thế nếu ai hỏi con là ai thì cứ nói tôi là người Mỹ, hoặc kể thêm chuyện vui ngôn ngữ Ai (I) là tôi và tôi cũng là ai (I) rất hợp với người thạo tiếng Anh.

Tôi xa nhà (1970) từ 17 tuổi, du học Ba Lan, về Hà Nội công tác, rồi đi công tác nước ngoài tới mấy chục năm, sự gắn kết với quê hương không như các bạn đồng lứa ở lại quê. Nhớ hồi đi tìm người yêu, các bà mẹ thủ đô của bạn gái thường lắc đầu “trông nó nhà quê”. “Viên gạch” thì gọi là “củ gạch”, “thế này” gọi là “thế vầy” (Ninh Vầy – tên gọi của Ninh Bình).

Về quê, bu lại bảo, anh còn gì cái gốc nhà quê. Nằm ngủ phải có đệm, quần áo là lượt, đánh răng cũng phải dùng nước mưa trong bể. Ở quê cứ ra ngòi lấy nón vợt một cái, đủ cả tắm, rửa mặt, đánh răng. Đại loại trong mắt bà, con trai là người thành phố. Sang nước ngoài, tôi rõ là người Việt, tóc đen, đi đâu cũng lơ ngơ, chả ai coi mình là Tây. Về nước, các bạn trêu, dạo này Tây quá, trông như Việt kiều.

Thế đấy, tôi thuộc loại, Tây không ra Tây, ta không ra ta, không phải thành phố, chẳng phải nhà quê, cho nên muốn du xuân về đâu mà thấy mình lênh đênh trong tâm hồn như con thuyền không bến.

Cả nước đang làm e-ID (định danh điện tử) dựa trên thẻ căn cước công dân gắn chip, mỗi người có một ID vô hồn với những bit 0 và 1 chứa trong máy tính, việc xác thực “Tôi là ai” sẽ dễ hơn nhiều. Nhưng để nhận ra một người thông qua đặc tính, vài nét để nhận dạng xem anh ta là ai trong thế giới hội nhập thì không hề đơn giản.

Mấy năm gần đây tôi cũng hay tự vấn, Tết này mình về đâu đây. Mải bôn ba, làm ăn, lo cho tổ ấm riêng, bỗng một hôm chợt nhận ra không biết mình là ai và thuộc về đâu nếu những tháng năm trước đó không gắn bó với mảnh đất cha ông.