Màu của Tết: trong đỏ, ngoài xanh

(KTSG Online) – Thực ra, người viết đã có dịp bàn về câu chuyện “Tết có màu gì” hơn mười năm về trước. Một thập niên trôi qua với nhiều thay đổi đủ để trở lại đề tài này. Xin nói thêm vài điều về một tập hợp nhiều vật phẩm đầy màu sắc trong Tết Nguyên đán.

Trước hết, màu nổi bật nhất trong dịp Tết cổ truyền người Việt nào cũng công nhận là màu đỏ. Đúng vậy, Tết tràn ngập sắc đỏ bởi vì màu đỏ được ưa thích nhất. Với nhiều người, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Màu thường thấy nhất cho phong bao lì xì mừng tuổi là màu đỏ, và các câu đối treo trên tường cũng phải là màu đỏ. Chưa hết, hạt dưa mà già trẻ bé lớn thảy đều cắn tí tách “ba ngày Tết” luôn luôn được nhuộm đỏ.

Ngoài ra, màu đỏ của sản vật sau đây có một vị trí đặc biệt trong lòng người Việt, nhất là người lớn tuổi: trái dưa hấu. Không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, dưa hấu là “trái cây vua” trong dịp này. Ngày trước, dưa hấu từng là loại trái cây chỉ dùng trong Tết. Nay đã khác, chúng ta ăn trái này quanh năm. Nhưng kỳ vọng vào màu đỏ của quả dưa đem lại may mắn dường như không thay đổi. Ai cũng cho rằng khi xẻ ra, cặp dưa hấu trên bàn thờ của họ phải càng đỏ càng tốt.

Hoa đặc trưng cho Tết cũng ít nhiều liên quan đến màu đỏ. Ở miền Bắc, Tết đến trên màu đỏ của hoa đào. Ở miền Nam, có sự khác biệt vì hoa mai, tượng trưng cho Tết, có màu vàng. Tuy vậy, cả hai miền chia sẻ chung màu vàng của hoa cúc. Ngoài đào, mai và cúc, Tết hiện đại trong các gia đình Việt còn có sự góp mặt của các giò hoa lan với đủ sắc màu rực rỡ.

Khi nói đến thức ăn truyền thống trong dịp Tết, hai miền lại có một màu giống nhau. Dù hình dáng bên ngoài có phần khác biệt, bánh chưng và bánh tét chứa phần bên trong tương đồng, với nếp và thịt mỡ, được đun sôi rất lâu. Cả bánh chưng lẫn bánh tét được gói trong các lớp lá màu xanh – phần nào đó thể hiện sự thống nhất trong khẩu vị của người Việt hai miền.

Trong dịp Tết, ngoài việc xuất hiện trên lớp lá bao ngoài bánh chưng và bánh tét, màu xanh còn thấy trên tiết xuân khi cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Nếu màu đỏ tượng trưng cho may mắn, tài lộc, thì màu xanh là hiện thân của sức sống, sức phát triển của vạn vật trong môi trường. Không mùa nào trong năm hoa lá tươi tốt hơn bằng mùa xuân. 

Người ta đã từng cho rằng sức người có thể làm nên tất cả, con người có thể làm được tất cả những gì họ muốn cho dù có phải hủy hoại môi trường xanh xung quanh. Nhưng thực tế đã chứng minh điều đó là sai. Con người hoàn toàn có khả năng “biến” đất đá vô tri thành thực phẩm mà không cần đếm xỉa gì đến hậu quả điều mình làm. Tuy nhiên, nếu như vậy, con người chỉ ăn một lần rồi thôi vì môi trường bị tàn phá không thể phục hồi. Ví dụ: khai thác quặng mỏ có thể mang đến tiền của tạm thời cho một đất nước hay vùng miền. Nhưng một khi đã đào bới “đất đá” để lấy quặng mỏ, người ta chỉ hưởng nguồn lợi một lần duy nhất trong khi có thể để lại hậu quả tiêu cực lâu dài. Một ví dụ khác là nạn khai thác cát bừa bãi trên sông. Khi xong việc, những chiếc xáng múc bỏ đi để lại những khúc sông chết sụp lở cả hai bên bờ, chẳng có bồi bên nào cả.

Chúng ta vẫn quen câu cửa miệng “khai thác thiên nhiên”, nhưng có lẽ khái niệm này không còn hợp thời. Thiên nhiên sinh ra không phải chỉ để cho con người khai thác nếu chỉ lấy đi mà không đóng góp gì hay giữ gìn thiên nhiên. Ngày nay, con người phải sống cùng với thiên nhiên, không phải chỉ khai thác mà còn phải biết bảo vệ môi trường xung quanh mình, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Bao thế hệ người Việt đã từng ngây ngất với hai câu thơ đẹp của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Thiết nghĩ, trong ngữ cảnh ngày nay, chữ “sức” trong câu “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” cần được bổ sung bằng “trí”. Trong cuộc chung sống với thiên nhiên ngày nay, nhân loại không chỉ dùng “sức” mà  còn phải sử dụng “trí” để biết họ cần giữ gìn những gì bên cạnh việc dùng “sức” để hy vọng trường tồn.

Thật tình cờ, trái dưa hấu trong đỏ, ngoài xanh. Ngày Tết, màu đỏ của dưa tượng trưng cho sự may mắn, còn màu xanh nhắc nhở chúng ta phải hết sức lưu tâm bảo vệ môi trường. Bắt chước Mai An Tiêm ngày xưa, người viết xin chọn hai màu của dưa hấu là màu tượng trưng cho Tết Việt hiện đại.