Năng suất lao động cao hơn nhưng chưa chắc ưu việt hơn!

(KTSG) – Số liệu về lao động và GDP của Tổng cục Thống kê trên trang web cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) nói chung tính trên GDP và tổng giá trị gia tăng theo giá hiện hành (GVA – không bao gồm thuế sản phẩm) đến năm 2021 tương ứng là 173 triệu đồng/lao động và 158 triệu đồng/lao động. NSLĐ tính theo giá so sánh tương ứng là 105 và 95 triệu đồng/lao động. Chú ý, là đây là số GDP đã được tính lại, tăng lên khá nhiều so với số GDP cũ đã từng công bố.

Từ năm 2010-2021, theo giá hiện hành cũng như theo giá so sánh, NSLĐ của khu vực nhà nước đứng đầu, rồi đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn tư nhân là bét bảng. NSLĐ của khu vực kinh tế nhà nước cao gấp khoảng 4 lần và nhóm doanh nghiệp FDI cao gấp 3,5 lần nhóm ngoài nhà nước (hình 1).

Tại sao có tình trạng trên? Nhìn vào từng ngành sẽ thấy NSLĐ của một số ngành thuộc kinh tế nhà nước như khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, nước rất cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến năm 2020, năng suất của ngành khai khoáng cao gấp 17 lần và ngành phân phối điện nước cao gấp gần 15 lần năng suất chung của nền kinh tế.

Đặc biệt, ngành phân phối điện nước có NSLĐ tăng liên tục từ năm 2010-2020, từ mức cao gấp 11 lần năng suất chung của nền kinh tế vào năm 2010 đã tăng lên gấp gần 15 lần vào năm 2020 (hình 2).

Chú ý là cách tính toán NSLĐ của Tổng cục Thống kê là lấy giá trị tăng thêm theo giá cơ bản (không bao gồm thuế sản phẩm) chia cho số lao động, mà giá trị tăng thêm theo giá cơ bản bao gồm hai yếu tố là thu nhập của người lao động và thặng dư gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Như vậy, phải chăng mỗi lần tăng giá điện đều đi vào giá trị tăng thêm, hoặc vào lương thưởng của người lao động, vào thặng dư gộp, hoặc đi vào cả hai. Điều này xem ra khá khó hiểu khi ngành điện lại luôn kêu lỗ và “đòi” tăng giá!?

Cả hai ngành khai khoáng và phân phối điện nước hầu hết đều thuộc kinh tế nhà nước và ngành này là đầu vào của ngành kia. Khi ngành khai khoáng nâng giá bán tài nguyên lên, cụ thể là than và khí đốt, thì đó là cơ hội để ngành điện nâng tiếp giá điện. Cách làm này về bản chất giống hành động chuyển giá, nhờ sự chuyển giá ấy mà NSLĐ của hai ngành tăng lên và cuối cùng kéo theo năng suất chung cao lên.

Như vậy, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao lại không hẳn do hiệu quả hay ưu việt hơn nhóm doanh nghiệp tư nhân, mà nhờ được những ưu đãi về vốn, công nghệ, độc quyền thị trường và tài nguyên.

Đối với ngành khai khoáng, dù NSLĐ rất cao do phần giá trị tăng thêm của ngành này rất lớn so với số lao động, nhưng sau đó, trong quá trình phân phối lại, với 50% phải chi trả nước ngoài (chi trả sở hữu), thì cái được cuối cùng (GNI, NDI) của nền kinh tế cũng chẳng là bao!

Còn các doanh nghiệp FDI, tuy có năng suất cao nhưng tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu nội địa làm đầu vào lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nên về hình thức FDI đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhưng thực chất lại làm lợi cho nước khác nhiều hơn.