(KTSG Online) – Tại Hội nghị triển khai phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và xúc tiến đầu tư vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lựa chọn đột phá trong đột phá để Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phát triển nhanh, bền vững, quyết tâm biến nơi đây thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa và có nhiều đột phá hơn nữa cùng với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Theo Baochinhphu.vn, ngày 5-2 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Vì thế các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cần xác định và phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tạo phát triển đột phá.
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế đã tập trung phân tích các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, logistics, kinh tế biển, các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với biển, di tích văn hóa, lịch sử của vùng, huy động nguồn lực, chuyển đổi số…
Các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương; các bộ ngành Trung ương tập trung xây dựng quy hoạch, ban hành quy định minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát; tạo cơ chế thông thoáng và an toàn để thu hút hợp tác công tư, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới theo tuyến đường ven biển…
Cùng với đó là các phân tích, đánh giá để các địa phương trong vùng đột phá phát triển: Phát triển khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), đẩy mạnh hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; phát triển du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung; phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; phát triển Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)…
Với diện tích tự nhiên 95.860km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), gần 2.000km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 khu kinh tế ven biển (chiếm 61,1% của cả nước); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông – Tây với các nước Thái Lan, Lào, Campuchia… vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế, hàng hải quốc tế.
Đặc biệt, vùng có tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn (100% trữ lượng cromit, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi, titan, thiếc…); tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời).
Hàng loạt điểm độc đáo, hấp dẫn cho phát triển du lịch với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới: phố cổ Hội An, Cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn, hang động Phong Nha – Kẻ Bàng; các bãi biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, biển Mũi Né… các đảo Hòn Mun, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, vì sao vùng chưa phát triển ngang tầm tiềm năng, cơ hội, lợi thế về con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử, thu nhập bình quân đầu người so với cả nước còn thấp? Cái gì là đột phá để tạo sự phát triển?
Thực tế hạ tầng kết nối, gồm cả hạ tầng cứng và mềm, liên kết nội vùng, liên vùng với cả nước, với thế giới; kết nối về thể chế, ý tưởng, đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội của cả vùng vẫn hạn chế. Nghị quyết của Đảng đã phân tích rất kỹ những tồn tại này, vấn đề là phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn một vài việc để đột phá khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, phải chọn “đột phá trong đột phá” để phát triển nhanh và bền vững nhất đối với khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với tổng mức đầu tư 5,6 tỉ đô la vào vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng xây dựng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là vùng phát triển năng động, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển cần tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận phù hợp để giải quyết các nút thắt, các vấn đề đặt ra đúng, trúng, hiệu quả như kết nối giao thông, phát triển các hạ tầng khác và thu hút nguồn lực; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.
14 tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, “đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo gắn với nguồn lực con người, truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, ý chí quật cường.
Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực phát triển (gồm vốn Nhà nước, vốn xã hội, vốn vay, trong đó nguồn lực Nhà nước gồm vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi), đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; huy động nguồn lực nhiều chiều, nhiều hướng, từ các nguồn phân tán, nhưng phân bổ và sử dụng nguồn lực phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, tinh thần là Chính phủ sẽ chỉ đạo trực tiếp cơ quan điều phối các vùng.