(KTSG) – FDI đầu tư vào sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc tăng gần 60% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước – bất chấp những biến động kinh tế, xã hội. Có thể thấy, chiến lược chuyển trọng tâm vào công nghệ cao của nước này những năm gần đây đang rõ nét.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục đạt tổng cộng 999,98 tỉ nhân dân tệ (khoảng 143,6 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2020 và tăng vọt lên 1.150 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021. Trong thời gian từ tháng 1 đến 11-2022, dòng vốn FDI đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước lên gần 1.160 tỉ nhân dân tệ.
Cũng theo MOC, từ tháng 1 đến 11-2022, vốn FDI đầu tư vào sản xuất công nghệ cao ở Trung Quốc đã tăng 58,8%, trong khi FDI vào lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư lớn nhất thế giới, có quan hệ sâu rộng với Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu về các hoạt động đầu tư và thương mại tại Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo các tác động đến các nước/khu vực như ASEAN, trong đó có Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân cho kết quả tăng trưởng cao trong thu hút FDI, đặc biệt là FDI công nghệ cao tại Trung Quốc và tác động của chúng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Nước đi của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc đã sửa đổi luật đầu tư theo hướng mở hơn, công bằng cho cả doanh nghiệp FDI. Nước này giảm yêu cầu liên doanh bắt buộc giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, giảm yêu cầu chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước… Đây là kết quả của sức ép từ hội nhập với WTO, EU, Mỹ…
Theo đó, Trung Quốc phải mở cửa thị trường để đối xử công bằng cho cả công ty nội địa và doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, Hiệp định Đầu tư EU – Trung Quốc là trọng tâm trong mối quan hệ song phương lâu dài. Bắt đầu đàm phán từ năm 2013, đến 30-12-2020, hai bên đã kết thúc về nguyên tắc các cuộc đàm phán. Thỏa thuận cấp cho các nhà đầu tư EU một mức độ tiếp cận lớn hơn vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc cam kết đảm bảo đối xử công bằng hơn với các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc, cho phép họ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn. Những cam kết này bao gồm về các doanh nghiệp nhà nước, tính minh bạch của các khoản trợ cấp và các quy tắc chống chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Các quy tắc được đàm phán trong hiệp định này cũng đặt ra tiêu chuẩn cạnh tranh cao cho doanh nghiệp nội địa Trung Quốc gồm các yếu tố như tính minh bạch, sân chơi bình đẳng, cam kết tiếp cận thị trường của doanh nghiệp hai bên và phát triển bền vững.
Các đối tác thương mại lớn khác của nước này – bao gồm Úc, Anh, Canada và Mỹ – cũng kêu gọi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiến hành tự do hóa hơn nữa và mở cửa các thị trường rộng lớn.
Nguyên nhân thứ hai đến từ việc thu nhập người tiêu dùng tăng, đồng thời lương tăng, làm giảm lợi thế giá cả lao động, trong khi khả năng chi tiêu tăng cho hàng hóa giá cao.
Theo SCMP, mức lương trung bình hàng tháng của Trung Quốc tại 38 thành phố lớn là 1.502 đô la Mỹ trong quí đầu tiên của năm 2022. Con số này giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy lợi thế lao động giá rẻ đã giảm đáng kể tại Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ ba bởi Trung Quốc muốn thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tăng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng đổi mới sáng tạo bằng cách tăng cạnh tranh và áp lực khi mời các đối thủ mạnh khu vực FDI tham gia thị trường. Trung Quốc đã đẩy mạnh các mục tiêu liên quan đến chi tiêu cho R&D và cải thiện điều kiện kinh doanh để thu hút một làn sóng FDI mới.
Trong Kế hoạch chiến lược 5 năm lần thứ 14, Chính phủ Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ tăng chi tiêu cho R&D lên 7% hàng năm từ năm 2020 đến năm 2025. Năm 2021, Trung Quốc đã chi kỷ lục 2.790 tỉ nhân dân tệ (441,3 tỉ đô la Mỹ) cho R&D, tăng hơn 14% so với năm 2020 – khi các biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã khiến nước này đạt mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
“Chính phủ đã đầu tư rất nhiều nhưng không đủ để thu hẹp khoảng cách công nghệ”, Flora Zhu, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp tại Fitch Ratings, nói. Vị này cũng cho biết với sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu công nghệ cao, nước này sẽ cần thu hút [thêm] vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Giờ đây, khi chính phủ tìm cách trở nên tự chủ hơn trong khi theo đuổi hội nhập quốc tế thông qua chiến lược “lưu thông kép”, có khả năng Trung Quốc sẽ kêu gọi thêm đầu tư nước ngoài để tăng cường năng lực công nghệ.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Việc FDI, đặc biệt là FDI công nghệ cao có xu hướng tăng vào Trung Quốc mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Về mặt các thách thức tiềm năng, rõ ràng cạnh tranh thu hút FDI vào Việt Nam sẽ tăng lên do Trung Quốc mở hơn trước nên nước này nhiều khả năng sẽ hấp dẫn trong thu hút FDI hơn trước đây.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, kết quả này cũng nói lên nhiều cơ hội cho Việt Nam. Khi nới quy định của Luật Đầu tư thì có thể Luật Thương mại của Trung Quốc cũng mở theo, theo yêu cầu của các bạn hàng thế giới như Úc, Mỹ, Canada và châu Âu.
Do vậy, nhiều mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn như điện thoại, máy tính, xe hơi, quần áo, giày dép, và hàng lương thực, thực phẩm như thủy hải sản, thực phẩm đóng hộp, rau quả,… do chính sách mở và do giá hàng nội địa của Trung Quốc không còn rẻ như trước (vì giá nhân công tăng). Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho hàng hóa như thực phẩm sẽ tăng lên do tiêu chuẩn sống và thu nhập cao hơn.
Cơ hội thứ hai là FDI vào Trung Quốc sẽ nâng lên khâu cao hơn và khó hơn trong chuỗi giá trị, với các khâu như R&D. Khi đó, nước này để lại khoảng trống trong thu hút FDI cho lĩnh vực thâm dụng lao động và chi phí rẻ và ít dùng công nghệ hơn cho các nước còn lại.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế trong thu hút FDI công nghệ cao, cơ hội vẫn còn cho các nước đang phát triển khác, bao gồm cả Việt Nam.
Và lúc này Việt Nam có thể thu hút FDI để sản xuất hàng hóa xuất qua thị trường Trung Quốc, góp phần làm giảm mức độ chênh lệch trong cán cân thương mại. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực, cơ hội này càng trở nên rõ ràng hơn.