Làng già, làng trẻ – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Làng già, làng trẻ không phải tên gọi hay cách tính tuổi của làng, mà nói về tình trạng sau Tết: làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.

“Đó là một tín hiệu vui”, theo góc nhìn của các chuyên gia bình luận kinh tế trên báo chí. Nhưng nếu đi về tận những làng quê và với một góc nhìn khác thì đó là một câu chuyện buồn.

Không biết liệu đã có số liệu thống kê có bao nhiêu người già ở thôn quê phải sống xa con cái và bao nhiêu trẻ em phải sống xa cha mẹ. Còn nơi làng tôi ở, hầu hết những ngôi nhà chỉ còn ông bà và cháu nhỏ. Cha mẹ của những đứa trẻ hoặc đi làm ở Hà Nội, Sài Gòn – mỗi năm về quê một lần, hoặc đi xa hơn tới Đài Loan hay Nhật Bản – ba năm về một lần.

Nếu nhìn vẻ bề ngoài, làng quê bây giờ đã đổi khác với nhà cao cửa rộng, đường sá thênh thang. Những người già, trẻ nhỏ giờ đây trông cũng “sang hơn” với quần áo đẹp, điện thoại thông minh, xe điện vi vu. Nhưng nếu có dịp chuyện trò với họ, sẽ dễ nhận ra những khoảng trống rất lớn: ai sẽ cùng con trẻ khôn lớn; ai sẽ chăm sóc cha mẹ già?

Anh họ tôi đi Nhật cách nay ba năm khi vợ anh vừa mang thai. Tết vừa rồi anh về nhà, con gái không chịu gọi cha. Đến ngày con biết thưa cha thì anh lại đi. “Biết sao được, cố gắng cày thêm ít năm rồi tính tiếp”, anh thở dài.

Làng nay toàn trẻ nhỏ nương tựa vào người già, còn người già không biết dựa vào đâu thì phải nhận thêm gánh nặng: nuôi con trẻ lần thứ hai. Điều đáng nói, những ông bà U60, U70 phải gồng gánh nuôi dạy những đứa trẻ thời đại Facebook, YouTube bằng cách… đưa điện thoại cho chúng. “May có cái điện thoại mới yên với tụi nó” – người già cũng thở dài.

Tôi về quê sống đến nay đã gần hai năm. Thời gian đầu thấy làng quê đổi mới tôi rất mừng. Nhưng dần dà tôi nhận thấy một sự hoang vắng bên trong vẻ ngoài hào nhoáng ấy. Thanh niên ở quê lấy việc ra phố hay đi nước ngoài kiếm tiền là khuynh hướng cơ bản, và làng quê từ chỗ đáng sống trở thành trạm dừng chân – nơi họ về để rồi lại ra đi. Cũng không thiếu những người đi thành thị hay đi nước ngoài về đã không còn giống họ của hồi mới ra đi nữa. Đó là những người cha, người mẹ gửi con cái cho ông bà giữ, sống xa con và quên luôn cách thương yêu, nên mỗi lần về là họ “chiều con tới bến” bằng đồ chơi, quần áo đẹp. Họ cho rằng bù đắp như vậy là đủ mà quên mất nhu cầu của những đứa trẻ thèm hơi cha mẹ!

Còn những người già, dù không nói ra, nhưng áp lực nuôi cháu không hề nhỏ. Họ đủ đức hy sinh để bỏ qua hết những nhu cầu cá nhân, kể cả mong muốn được gần gũi, trò chuyện với con cái, thậm chí ốm đau họ cũng giấu. Nhưng họ không thể thay con cái nuôi những đứa cháu trong hoang mang bởi thời thế đã thay đổi quá nhiều và khoảng cách thế hệ hiện nay quá lớn.

Nhưng nói xuôi thì cũng cần hỏi ngược. Liệu không ra phố hay đi nước ngoài thì ở quê có việc làm không? Câu trả lời không hẳn là “không có”, nhưng ở quê bây giờ có “công nghiệp hóa” mà không có “hiện đại hóa”, tức có việc làm nhưng mức lương rất thấp và các phúc lợi bị bỏ quên. Chính vì thế, thanh niên dù đã có gia đình hay chưa đều rất “chán quê”, họ ưu tiên cho những chuyến rời bỏ quê nhà để đổi đời.

Đó là chưa kể “cơn lốc nhà, xe” khiến họ sống nhanh, sống vội. Rất nhiều người đã có gia đình nhưng vẫn quyết đi xuất khẩu lao động, chỉ mong đủ tiền mua sắm ô tô, vì làng xóm đã dần có ô tô cả rồi. Lối sống đua đòi lẫn nhau khiến làng quê đẹp mà buồn, và buồn nhất là những người ở lại: trẻ con và người già.

Đức và Nhật Bản đang có chiến dịch “cứu lấy nông thôn”. Cả hai quốc gia này đều cho rằng làng quê là cái gốc của lối sống, văn hóa cần được gìn giữ trước tiến trình đô thị hóa, và họ tìm cách khuyến khích giới trẻ quay về làng.

Liệu chúng ta có nên bắt đầu suy nghĩ vấn đề này? Bớt hô hào việc “đi nước ngoài nhiều là một tín hiệu vui”? Thay vào đó, tìm cách để thanh niên nông thôn sống được ở quê nhà, chăm sóc tốt cho cha mẹ và con cái họ, để những làng quê thực sự là nơi đáng sống thay vì là trạm dừng chân. Được không?