(KTSG) – Một công ty cổ phần vừa thông qua nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về tiêu chuẩn để tham gia vào “giới tinh hoa” của công ty này(1).
Theo đó, điều kiện tiên quyết để bước vào “giới tinh hoa” là sở hữu 4 triệu cổ phiếu của công ty và có sẵn 1-3 tỉ đồng để công ty huy động tối đa ba tháng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng thương mại X.
Lợi ích của nhà đầu tư khi gia nhập “giới tinh hoa” là được trả tăng thêm 2% cổ tức của từng năm. Chẳng hạn, cổ đông bình thường được chia 6%/năm thì cổ đông thuộc giới tinh hoa được trả 8%/năm. Bên cạnh đó, cổ đông này sẽ được phụ cấp 5 triệu đồng/tháng.
Việc xác nhận “giới tinh hoa” sẽ căn cứ vào chính danh sách đại hội đồng cổ đông thường niên do Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chốt từ đầu năm.
Đây là một quyết định lạ và chắc chắn chính sách chia cổ tức kiểu này không phổ biến trên thị trường. Để đánh giá chính sách “giới tinh hoa” của công ty này có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, cần nhìn nhận ở hai khía cạnh: điều kiện chia cổ tức và thẩm quyền.
Điều kiện chia cổ tức
Ngoại trừ trường hợp cổ phần ưu đãi cổ tức hoặc một loại cổ phần ưu đãi nào đó, việc chia cổ tức (đối với cổ phần phổ thông) về cơ bản phải đáp ứng hai điều kiện:
Một là, về mặt tài chính, công ty phải có lợi nhuận. Có nghĩa công ty đã thanh toán các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (thuế), bên thứ ba (các khoản nợ) và đã thực hiện các trích lập tài chính hoặc bù lỗ theo quy định. Đồng thời, sau khi chia cổ tức, công ty vẫn phải bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn(2).
Hai là, việc chia cổ tức phải mang tính công bằng. Có nghĩa là mọi cổ đông với điều kiện sở hữu cùng loại cổ phần sẽ được chia cổ tức như nhau(3).
Thẩm quyền quyết định việc chia cổ tức
Việc chia cổ tức mang trong mình hai yếu tố quan trọng. Yếu tố thứ nhất đó là chuyện các nhà đầu tư quyết định sẽ ứng xử như thế nào với thành quả đầu tư của họ: tiếp tục tái đầu tư hay rút ra để làm những việc khác. Yếu tố thứ hai đó là việc dành cho những người thay mặt các nhà đầu tư quản lý dòng tiền quyền được chủ động về dòng tiền và các nguồn tài chính cho các hoạt động kinh doanh. Ghi nhận thành luật, nó trở thành quy trình ba bước trong việc chia cổ tức như sau:
Bước 1: HĐQT, sau một năm tài chính thành công, họ sẽ đề xuất việc chia cổ tức (và trong đó có thể là mức cổ tức được chia hoặc hình thức chia cổ tức)(4).
Bước 2: Đại hội đồng cổ đông dựa trên đề xuất của HĐQT sẽ quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chia cổ tức(5).
Bước 3: Sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua, HĐQT sẽ là người quyết định thời điểm chia cũng như hình thức chia cổ tức trong cân nhắc về các kế hoạch tài chính chung của công ty. Tất nhiên, việc này có một giới hạn là nó phải xảy ra trong khoảng thời gian tối đa là sáu tháng kể từ ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên(6).
Áp dụng các nguyên tắc đề cập ở trên vào tình huống đề cập ở đầu bài, có mấy điều sau đây được rút ra:
Thứ nhất, về mặt lợi ích mà nhóm tinh hoa được hưởng theo chính sách cổ tức mà HĐQT thông báo, các lợi ích này không dựa trên bất kỳ nguyên tắc pháp lý nào cả. Nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền của các cổ đông mà Luật Doanh nghiệp quy định. Các cổ đông khi sở hữu cùng loại cổ phần, họ phải hưởng một mức cổ tức/mỗi cổ phần như nhau. Luật không có bất kỳ quy định nào cho phép nhóm cổ đông lớn có quyền hưởng mức cổ tức/cổ phần cao hơn các cổ đông thiểu số.
Thứ hai, ở đây có sự không rạch ròi về khoản góp vốn (thông qua việc mua cổ phần của công ty) và khoản vay mà cổ đông cho công ty vay. Việc một cổ đông cho công ty vay (nếu có) sẽ hình thành nên hai mối quan hệ giữa người đó với công ty: (i) quan hệ cổ đông với công ty; và (ii) quan hệ chủ nợ với con nợ. Cổ đông thì sẽ được hưởng cổ tức, còn chủ nợ thì sẽ được hưởng lãi của khoản cho vay. Việc cho công ty vay không bao giờ là căn cứ để người này được hưởng cổ tức với mức cao hơn các cổ đông khác không cho công ty vay. Khi HĐQT dành cho các cổ đông “giới tinh hoa” được hưởng cổ tức cao hơn và được trợ cấp 5 triệu/tháng sẽ khiến cho vấn đề hoạch toán về kế toán sẽ không thực hiện được trong trường hợp này.
Thứ ba, nhìn từ góc độ thẩm quyền, HĐQT chỉ có quyền đề xuất việc chia cổ tức và chỉ được thực hiện sau khi được đại hội đồng cổ đông đồng ý. Đối chiếu với tình huống trên, rõ ràng HĐQT đã có một quyết định trái pháp luật. Điều này sẽ khiến cho các thành viên đã đồng ý với quyết định này đứng trước rủi ro phải bồi thường trong các vụ kiện đối với người quản lý được thực hiện bởi cổ đông của công ty.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, các cổ đông có thể cân nhắc việc yêu cầu triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông với lý do HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao(7), hoặc khởi kiện ra tòa án, trọng tài để yêu cầu hủy bỏ nghị quyết này của HĐQT và yêu cầu các thành viên HĐQT bồi thường các thiệt hại nếu có(8).
(*) Giám đốc Học viện Pháp luật Thực hành
(1) https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-gioi-tinh-hoa-cua-hapaco-post314230.html
(2) Điều 135.2 Luật Doanh nghiệp
(3) Điều 114.4 Luật Doanh nghiệp
(4) Điều 153.2(o) Luật Doanh nghiệp
(5) Điều 138.2(b) Luật Doanh nghiệp
(6) Điều 135.4 Luật Doanh nghiệp
(7) Điều 115.3(a). Lưu ý là để có thể thực hiện điều này, cổ đông phải sở hữu hoặc cùng nhau sở hữu ít nhất là 5% tổng số cổ phần phổ thông.
(8) Điều 153.4 Luật Doanh nghiệp