(KTSG Online) – Theo Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, địa bàn tỉnh đang có 19 doanh nghiệp nợ đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho gần 900 người lao động. Tổng số tiền nợ là hơn 140 tỉ đồng.
Các loại bảo hiểm này là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo TTXVN, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm thuộc diện khó đòi này hầu hết đều có thời hạn nợ đóng tiền từ 16 tháng đến 10 năm.
Tính đến hết tháng 1-2023, tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Tổng số tiền nợ là gần 800 tỉ đồng. Trong đó, tiền nợ bảo hiểm xã hội khoảng 567,8 tỉ đồng; nợ bảo hiểm y tế khoảng 104,9 tỉ đồng.
Thời gian tới, đơn vị chức năng sẽ kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục nợ; giám sát tình hình và xử lý các trường hợp vi phạm trong việc trục lợi, trốn đóng bảo hiểm, hạn chế tối đa phát sinh những khoản nợ khó đòi.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn số 386 về việc đề xuất phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị chậm đóng bảo hiểm, trong đó, có đề xuất phương án bảo hiểm cho chế độ hưu trí.
Theo đó, người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng khi đáp ứng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên theo quy định.
Trường hợp sau đó, nếu khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội khi đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì được tính bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng lương theo quy định.
Đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng bảo hiểm dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng bảo hiểm từ đủ 10 năm trở lên) nhưng có nguyện vọng hưởng lương hưu thì sẽ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.