(KTSG Online) – Sau khi là “bệ đỡ” quan trọng về dòng tiền và tâm lý cho thị trường chứng khoán từ tháng 11 năm ngoái, khối ngoại đã liên tục bán ròng cổ phiếu trong nhiều phiên gần đây, gây áp lực ngược lại cho thị trường.
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán biến động mạnh với những phiên tăng điểm và giảm điểm lớn đan xen. Áp lực bán xuất hiện, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản cũng như các cổ phiếu vốn hoá lớn thuộc nhóm VN30, khiến cho VN-Index giảm 19,75 điểm, tương ứng 1,86%, về lại mốc 1.039,56 điểm.
Bên cạnh những diễn biến tiêu cực nói chung từ lo ngại nợ trái phiếu doanh nghiệp, một điểm đáng chú ý khác trong tuần qua là việc khối ngoại liên tục duy trì đà bán ròng với thanh khoản lớn, cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết thanh khoản thị trường tuần qua tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn tăng 29,2% lên mức 12.919 tỉ đồng/phiên. Trong khi đó, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE đạt 1.421 tỉ đồng, tăng đến hơn 200% so với tuần trước. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng trên sàn HNX và UPCOM, với giá trị lần lượt đạt 125 tỉ đồng (tăng 98,4% so với tuần trước) và gần 7 tỉ đồng (giảm 58,3%).
“Đà giảm của thị trường trong tuần qua một phần đến từ khối ngoại. khối ngoại chuyển sang bán ròng do lo ngại FED có thể tăng lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng càng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán”, nhóm phân tích Công ty chứng khoán VNDirect bình luận.
Như vậy, đây là tuần thứ hai liên tiếp khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Tuần trước đó, khối ngoại kết thúc chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, với giá trị bán ròng khoảng 375 tỉ đồng. Trong đó, bán ròng mạnh chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng Sacombank sau những thông tin liên quan tới việc sở hữu khối ngoại. Còn về dòng vốn chung, cho thấy dòng tiền khối ngoại quay đầu rút ròng gần 22 triệu đô la trong tuần trước đó, theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Như vậy, dù tháng 2 còn vài phiên giao dịch nữa, nhưng với diễn biến hiện nay thì có thể thấy dòng tiền khối ngoại trong tháng tiêu cực hơn nhiều so với tháng 1.
Trong tháng trước, dòng tiền khối ngoại dường như chảy theo “quán tính” tăng mạnh từ hai tháng liền trước. Tổng giá trị vào ròng của tháng ghi nhận hơn 1.700 tỉ đồng, thấp hơn so với mức giải ngân lịch sử trong tháng 12 nhưng nhìn chung vẫn tương đối tích cực, theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI.
Cũng theo SSI, bên cạnh dòng tiền vẫn tích cực từ các quỹ ETF trong tháng 1, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường thường có độ trễ, đo đó việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 1 là không có quá nhiều bất ngờ.
Khối ngoại tăng tốc bán ròng trong tháng 2 là động thái mới đáng chú ý, sau khi mạnh tay mua vào cổ phiếu từ tháng 11 năm ngoái, thời điểm mà chỉ số VN-Index “rơi” về vùng đáy của năm với hàng loạt thông tin tiêu cực.
Trong báo cáo hồi giữa tháng 2 của VinaCapital, thống kê cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1,3 tỉ đô la cổ phiếu từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1-2023, bao gồm 179 triệu đô la chỉ riêng trong tháng 1 (nếu loại trừ việc thoái vốn của Ngân hàng Sumitomo khỏi Ngân hàng Eximbank thì hơn 300 triệu đô la).
Trong số này, ba cổ phiếu niêm yết của tập đoàn Vingroup (VIC, VRE, VHM) nằm trong danh sách 10 cổ phiếu được khối ngoại rót tiền nhiều nhất trong tháng 1, chiếm khoảng 1% điểm trong mức tăng 10,3% của chỉ số VN-Index trong tháng.
Còn cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền nhiều nhất trong tháng 1 là nhà sản xuất thép Hòa Phát (HPG), được cho là nhờ kỳ vọng hoạt động xây dựng hạ tầng trong nước phục hồi cùng việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Cổ phiếu này đã tăng gần 23% trong tháng 1, là một trong những cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index, dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3%.
Tương tự, ngành được rót tiền nhiều còn là nhóm tài chính ngân hàng. Hiệu suất của giá cổ phiếu ngân hàng dao động từ mức âm 4% đến 25% trong tháng 1, trong khi có lúc bị bán tháo 40% vào thời điểm tồi tệ nhất năm ngoái.
Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1, một phần do định giá thị trường xuống mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua với mức P/E dưới mức 10 lần.
Do đó, xét về tầm nhìn trung và dài hạn, đại diện các quỹ đầu tư vẫn đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu thường đi trước chu kỳ kinh tế, và thời điểm này được nhiều đơn vị phân tích cho rằng là giai đoạn tốt để giải ngân cho khoản đầu tư trung dài hạn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi định giá suy giảm vì lợi nhuận doanh nghiệp ước tính giảm, dòng tiền cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định, ít nhất là cũng “nghỉ ngơi” sau thời gian rót tiền liên tục. Vì vậy, việc dòng tiền khối ngoại có tiếp tục chảy mạnh vào hay không vẫn còn là một biến số và nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra lưỡng lự khi đánh giá.
Theo SSI, hai biến số vĩ mô chính hiện nay ảnh hưởng tới việc phân bổ dòng vốn ngoại là động thái tăng lãi suất của Fed và tốc độ của việc Trung Quốc mở cửa, đồng thời cũng không loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần.
Trong khi đó, câu chuyện chung của thị trường nội địa vẫn còn. “Rủi ro lạm phát xuyên suốt thời gian qua vẫn chưa thực sự được giải quyết sẽ là yếu tố khiến dòng tiền khó có thể bùng nổ như giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022”, báo cáo của SSI bình luận.
Trên thực tế hiện nay, câu chuyện dòng tiền trên thị trường chứng khoán nói chung còn phụ thuộc vào những chính sách của cơ quan quản lý trong nỗ lực phục hồi những trục trặc của thị trường vốn.
Từ tháng 11 năm ngoái, các động thái của chính phủ cũng góp phần giúp thị trường tăng trở lại, theo đánh giá của đại diện VinaCapital. Còn trong năm nay, thị trường chờ đợi những giải pháp tháo gỡ khó khăn đi vào thực tế, đặc biệt là trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Khi các biện pháp tháo gỡ khó khăn có hiệu quả, tương lai doanh nghiệp “sáng” hơn sẽ giúp định giá được cải thiện, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu.
Trong một diễn biến khác, khi khối ngoại tăng tốc bán ròng thì các nhà đầu tư cá nhân lại mua ròng. Chia sẻ tại toạ đàm gần đây, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích chứng khoán của FiinGroup, nhận định rằng trong bối cảnh lực mua ròng từ khối ngoại đang yếu dần đi trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư nên theo dõi xu hướng dòng tiền khối ngoại để sớm nhận diện dòng vốn đảo chiều trên thị trường, sau khi tỷ trọng tiền mặt tại các quỹ ngoại liên tục giảm từ tháng 11 năm ngoái.