Sôi động tay chơi trên thị trường tài chính tiêu dùng

(KTSG) – Với những thương vụ đổi chủ liên tục thời gian qua, cộng thêm kết quả kinh doanh sút kém của các công ty tài chính tiêu dùng, ngay cả ở công ty hàng đầu và chiếm thị phần lớn, phải chăng tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã không còn hấp dẫn như những kỳ vọng trước đây?

UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam.

Những màn đổi chủ

Trong ngày đầu tháng 3-2023, ngân hàng UOB thông báo hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi. Lãnh đạo UOB cho biết sẽ tăng cường việc mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Thương vụ mới nhất của UOB cho thấy sự sôi động của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, với những màn đổi chủ ngoạn mục trong những năm gần đây. Hồi cuối năm 2017, Shinhan Bank hoàn tất việc nhận chuyển giao toàn bộ khối ngân hàng bán lẻ từ ANZ Việt Nam. Trong cùng năm, ngân hàng VIB cũng đã mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia tại Việt Nam.

Bên cạnh các thương vụ của ngân hàng ngoại, các ngân hàng trong nước cũng tích cực thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng. Sau thương vụ khủng của VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBCCF – một công ty con do tập đoàn SMBC của Nhật Bản sở hữu 100% vốn, mới đây thương vụ chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHB Finance cho ngân hàng Krungsri của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc tập đoàn MUFG của Nhật Bản, cũng đang đi vào những bước cuối cùng.

Như vậy, sau các thương vụ Techcombank bán toàn bộ vốn tại TechcomFinance cho tập đoàn Lotte Hàn Quốc, HDBank và MBBank bán 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác Nhật Bản, VPBank bán FECredit, SHB đã nối dài thêm danh sách các ngân hàng Việt rút vốn dần khỏi mảng tài chính tiêu dùng.

Việc ngân hàng thoái vốn khỏi các công ty tài chính tiêu dùng không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, mà còn nhằm tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế giẫm chân nhau…, khi mà không ít ngân hàng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ bao quát luôn cả các khách hàng hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, hoặc đang phát triển riêng biệt mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng có thể sớm thành công. Đơn cử như ngân hàng MSB từng đàm phán thành công việc chuyển nhượng 50% vốn của công ty tài chính FCCOM cho Hyundai Card – công ty phát hành thẻ tín dụng, thuộc tập đoàn Ô tô Hyundai, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi chiến lược đối tác nên thương vụ này bất thành. Tiếp đó tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm ngoái, ngân hàng này cho biết đã làm việc với một đối tác Nhật Bản, đã ký kết ghi nhớ giai đoạn đầu về giá trị công ty khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả cuối cùng.

Trong một diễn biến khác, VNDirect mới đây có báo cáo đánh giá triển vọng VPBank, trong đó đề cập chi tiết tới tình hình kinh doanh của FE Credit. Cụ thể, VNDirect ước tính dư nợ cho vay của FE Credit giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3,4% khi tính khoản cho vay 4.570 tỉ đồng mà FE Credit đã bán cho ngân hàng mẹ. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối năm 2021 lên 20,4% vào cuối năm 2022, làm chi phí hoạt động và dự phòng tăng đáng kể lần lượt ở mức 28% và 23%, khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỉ đồng trong năm 2021 sang lỗ 3.000 tỉ đồng trong năm 2022.

Theo ban lãnh đạo VPBank, ngân hàng này không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2022 do quá trình phục hồi của FE Credit sau dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến. Giờ đây, tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản – xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.

Triển vọng tài chính tiêu dùng có còn hấp dẫn?

Với những thương vụ đổi chủ liên tục thời gian qua, cộng thêm kết quả kinh doanh sút kém của các công ty tài chính tiêu dùng, ngay cả ở công ty hàng đầu và chiếm thị phần lớn, phải chăng tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã không còn hấp dẫn như những kỳ vọng trước đây?

Về cơ bản, cho vay tiêu dùng được hiểu là hình thức tài trợ cho mục đích chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình, đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế,… Với dân số gần 100 triệu người, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ ở mức thấp, cộng thêm Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang được tập trung đẩy mạnh, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam luôn hiện lên đầy lạc quan.

Ngoài ra, số liệu được công bố gần nhất cho thấy dư nợ cho vay tiêu dùng vào thời điểm 30-9-2022 là 2,42 triệu tỉ đồng, tăng 16% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 21% trong tổng dư nợ. Trong đó, riêng dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Nếu so với các nước phát triển có tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng lên tới 50-60%, có thể thấy miếng bánh dư nợ tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn dư địa khá lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng của giai đoạn những năm trước thường ở mức 30-60% mỗi năm, có thể thấy sự phát triển đang chậm lại, trong đó một phần vì quy mô dư nợ hiện nay đã lớn hơn nhiều so với trước, nhưng bên cạnh đó nhu cầu vay tiêu dùng rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi những rủi ro của nền kinh tế trong ba năm trở lại đây.

Một nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao sẽ kéo theo sự gia tăng thu nhập cá nhân và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, đây là yếu tố then chốt cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, lực lượng lao động và thu nhập của người lao động đã bị ảnh hưởng đáng kể, khiến mảng cho vay tiêu dùng không chỉ bị chững lại mà còn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng, nhất là khi trong những năm trước các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển cho vay rất nóng với những điều kiện dễ dãi và không kiểm soát được rủi ro.

Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ nhóm các công ty công nghệ tài chính, có năng lực đáp ứng nhanh chóng những thay đổi trong thói quen mua sắm, thanh toán, với các sản phẩm cho vay tín chấp nhỏ lẻ, bên cạnh sự xuất hiện ngày càng phổ biến của nhiều chuỗi cầm đồ với quy mô lớn và có kênh phân phối rộng, cũng khiến các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận theo hướng truyền thống ngày càng đối mặt thêm thách thức. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng dần rút khỏi cuộc chơi này cũng là điều dễ hiểu.

Đặc biệt đối với các ngân hàng, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính tiêu dùng không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, mà còn nhằm tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế giẫm chân nhau trong chiến lược phát triển kinh doanh, xung đột lợi ích, khi mà không ít ngân hàng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ bao quát luôn cả các khách hàng hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, hoặc đang phát triển riêng biệt mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.

Đây có lẽ cũng là một trong những lý do thúc đẩy nhiều ngân hàng ngoại sớm quyết định bán đi mảng kinh doanh này tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Nếu như một số tập đoàn cho rằng việc thâu tóm mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng của các doanh nghiệp khác sẽ rút ngắn công đoạn xây dựng cơ sở khách hàng phục vụ cho mục tiêu phát triển hệ sinh thái của mình, cũng sẽ có những tổ chức quyết định bán đi mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng theo hướng truyền thống, để tập trung phát triển mảng ngân hàng số, công nghệ tài chính và chấp nhận xây dựng lại cơ sở khách hàng từ đầu, hoặc có thể tiếp cận dữ liệu khách hàng từ những đối tác, nhà cung cấp thứ ba.