Sau khi hàng loạt ngân hàng hạ lãi suất huy động, giới chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay cũng sẽ sớm giảm nhiệt. Đây là tín hiệu được mong chờ từ lâu để nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng trỗi dậy mạnh mẽ.
Nút thắt dòng tiền, áp lực lãi vay được gỡ bỏ
Đến giữa tháng 3, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh giảm khá mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng cho thấy, chỉ còn lác đác một số nhà băng ở nhóm quy mô nhỏ còn áp dụng mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân trên 9%/năm. Còn ở nhóm ngân hàng lớn, hầu hết lãi suất đã giảm sâu so với quý trước. Như tại Techcombank, lãi suất ở tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở đi hiện chỉ còn một mức chung là 7,9%.
Trong báo cáo gần đây, VnDirect dự báo lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý 1 và sau đó giảm dần kể từ quý I2. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect nhận định.
Về phía lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Với các đợt điều chỉnh lần này, gánh nặng lãi vay của các khách hàng trong giai đoạn thả nổi sẽ nhẹ hơn đáng kể.
“Dự kiến, trong vài tuần tới nếu không có gì thay đổi, chúng tôi lại tiếp tục có đợt giảm lãi suất. Mục tiêu cao nhất của đợt giảm lãi suất này là nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Lãi suất là tuỳ từng ngành nghề và kì hạn, tuy nhiên với những ngành nghề ưu tiên như sản xuất kinh doanh thì OCB đã cho vay dưới mức lãi suất dưới 10% rồi”, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB, cho biết.
Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi. Điển hình có VietinBank công bố dành 10.000 tỉ đồng, với lãi suất chỉ từ 7%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023. BIDV triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỉ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm. MBBank cũng tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ đồng.
Liều “dopping” để bất động sản tăng tốc
Với động thái hạ lãi suất từ các ngân hàng, việc đi vay thời gian tới sẽ dễ thở hơn. Đây có thể xem là “liều doping” mạnh mẽ, giúp phục hồi niềm tin cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá thể… ở nhiều ngành nghề.
Một khi lãi suất hạ nhiệt, các lĩnh vực của nền kinh tế cũng sẽ nhanh chóng hồi phục, trong đó bật dậy mạnh mẽ nhất là bất động sản do vốn là điểm nghẽn lớn nhất khiến lĩnh vực này rơi vào trạng thái ảm đạm suốt thời gian qua. Cùng lúc đó, thành tựu của nền kinh tế sẽ tiếp tục tạo lực đẩy kép cho bất động sản.
Ngoài ra, khi lãi suất huy động giảm sau cơn sốt ngắn hạn, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng dòng tiền để tìm kênh sinh lời hiệu quả hơn và bền vững hơn. Bất động sản được đánh giá sẽ là vùng trũng đón vốn nhiều nhất.
Không ít nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này. Ông Bùi Minh Công, Giám đốc Nghiên cứu sản phẩm làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM nhận định: “Thời điểm lãi suất ngân hàng đạt đỉnh cũng sẽ là vùng đáy của bất động sản. Nay, lãi suất quay đầu giảm sẽ là lúc bất động sản dần tăng giá. Vì thế, tôi và đồng nghiệp đang tích cực tìm kiếm căn hộ vừa tầm để đón đầu đợt tăng giá mới”.
Theo các chuyên gia, sau khúc quanh ngặt nghèo, năm 2023 sẽ mở ra một chu kỳ phát triển mới của bất động sản. Đặc biệt, khi được tiếp sức bởi các “liều doping” như lãi suất hạ, dòng tiền được khơi thông, lực cầu cao và tới đây là nhiều nút thắt pháp lý được tháo gỡ thì đà tăng giá sẽ còn nhanh hơn.
“Nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội 10 năm mới trở lại 1 lần vào năm 2023”, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản BHS, gợi ý.