Người cựu chiến binh hơn nửa đời người dạy nghề mộc miễn phí

Theo học nghề mộc năm 1981, ông Phan Công Hiền từng muốn bỏ vì thấy quá vất vả, nhiều lần bị thầy mắng, sản phẩm tạo ra xấu. Thế nhưng được sự động viên của vợ con, gia đình, ông Hiền đã kiên trì theo nghề. Suốt hơn 40 năm qua, ngoài việc gây dựng cơ sở làm mộc, ông còn dạy nghề miễn phí cho hàng trăm con, em của đồng đội và thanh niên trong vùng.

Từng muốn bỏ cuộc

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo của huyện Lộc Hà, năm 1974 ông Phan Công Hiền nên duyên cùng bà Lê Thị Luyện (SN 1954). Đầu năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Phan Công Hiền chào tạm biệt gia đình cùng người vợ trẻ lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 337, Quân khu V, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.  Sau 7 năm trong quân ngũ, ông Hiền được đơn vị cho phục viên trở về quê hương.

Trở về quê hương với mấy chục kg gạo được đơn vị cấp cho. Gia đình nghèo, phải gánh trên vai nhiều trọng trách, thời điểm đó ai thuê gì ông làm nấy thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Sau nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, cùng sự động viên của vợ và gia đình ông đã quyết định học nghề thợ mộc, nhận một cụ cao niên trong huyện làm thầy, hằng ngày học bào gỗ, làm bàn ghế, cánh cửa.

Ông Phan Công Hiền kể về những khó khăn ngày đầu làm nghề mộc

“Nghề mộc quá vất vả, bụi gỗ mù mịt chảy nước mắt. Thầy khó tính, thấy học trò làm sai là gõ đầu. Nhiều hôm sản phẩm làm ra xấu, không theo ý mình, tôi đã tính bỏ cuộc, kiếm công việc khác”, ông Hiền kể.

Mới manh nha ý định đó, ông Hiền đã bị vợ cản. Bà Luyện hỏi chồng: “Nếu anh nghỉ không học tiếp thì anh định làm nghề gì ?.Trước câu hỏi khó của vợ, ông Hiền vò đầu bứt tóc cũng không có câu trả lời. Sau nhiều đêm được người vợ trẻ thủ thỉ, động viên, ông cũng nghĩ thông, không còn muốn bỏ nghề.

“Tôi là người đến nơi làm việc sớm, về muộn nhất, vừa làm vừa cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Sau một thời gian, thầy thấy tôi kiên trì, có năng khiếu nên đã tận tình chỉ bảo. Điều này giúp tay nghề mộc của tôi tiến bộ rõ rệt từng ngày”, ông Hiền tâm sự.

Hiện cơ sở của ông Hiền có 10 công nhân, thu nhập ổn định từ 10 – 15 triệu/tháng

Từ một người không biết gì nghề mộc, tay cầm dùi đục, cưa… còn rung tay thường xuyên bị thương. Sau khoảng hơn nửa năm kiên trì học hỏi cựu chiến binh Phan Công Hiền đã thạo việc, trở thành một thợ mộc giỏi, có tay nghề “cứng” tại xưởng.

Dành cả đời dạy nghề miễn phí cho con, em đồng đội

Cuối năm 1982, khi cảm giác đã cứng tay nghề cựu chiến binh Phan Công Hiền đã quyết định thành lập 1 tổ mộc lưu động đi làm ăn xa. Ngày đó việc lập tổ lưu động đi làm ăn xa được đánh giá mạo hiểm. Bởi ông Hiền mới 27 tuổi, chưa tạo được tiếng tăm nên bị khách hàng từ chối. Ngoài ra, nhóm thợ đều hơn ông đến chục tuổi, trao đổi công việc rất khó khăn, nặng lời họ tự ái. Nhiều hôm đến đặt vấn đề xin nhận công trình, có người hỏi: “Chú trẻ vậy mà đã làm thợ cả, liệu có nên cơm cháo gì không”.

Ông Lê Văn Tuyến (65 tuổi), chỉ tay về cơ ngơi của mình, ông Tuyến chia sẻ: “May mắn được ông Hiền dạy nghề cho thì tôi mới được như ngày hôm nay.

Để tạo lòng tin từ khách hàng, cựu chiến binh Phan Công Hiền đã về nói với các công nhân của mình rằng phải làm ra những sản phẩm chất lượng để khẳng định chỗ đứng của tổ thợ mình trong ngành mộc. Sau khoảng 2 năm, tổ thợ của cựu chiến binh Phan Công Hiền đã được mọi người tin tưởng nhờ các công trình mộc mà đảm nhận được gia chủ đánh giá cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tin tưởng và nhờ xưởng làm đồ nội thất và các công trình bằng gỗ cho gia đình mình.

Thỉnh thoảng ông Hiền vẫn đến thăm học trò cũ

Khi đã có một chỗ đứng nhất định trong nghề, ông Hiền bắt đầu hành trình dạy nghề miễn phí cho thanh niên, đặc biệt là cựu binh. Lý giải cho việc ưu ái dạy nghề miễn phí cho người lính phục viên, ông Hiền cho biết, những người lính phục viên đa phần vất vả, lương thưởng không có, nên hễ có ai đặt vấn đề là ông nhận đào tạo hết.

“Trung bình từ 3 tháng đến nửa năm, họ bắt đầu làm được những sản phẩm đơn giản. Sau khi họ thành thạo thì làm một sản phẩm từ 5 đến 14 ngày. Có những người gắn bó 2-3 năm thì tách ra mở xưởng làm riêng”, ông Hiền chia sẻ.

Là một trong những học trò đầu tiên của ông Hiền, ông Phan Công Sửu (64 tuổi) chia sẻ: “Tôi cũng như bao thanh niên trong làng, lớn lên ở vùng quê nghèo của huyện Lộc Hà, công việc bếp bênh, ai thuê gì làm nấy nhưng không đủ ăn. Khi biết được xưởng ông Hiền có dạy nghề mộc miễn phí, tôi đã đăng kí tham gia và may mắn được nhận. Từ khi tôi theo học, không những được ông Hiền dạy nghề miễn phí cho mà ông còn trả công cho tôi. Sau gần 6 năm gắn bó với xưởng ông Hiền, tôi tách ra mở xưởng đến nay công việc ổn định, cũng có của ăn của để”.

Cách nhà ông Sửu không xa là xưởng gỗ của ông Lê Văn Tuyến (65 tuổi), chỉ tay về cơ ngơi của mình, ông Tuyến chia sẻ: “May mắn được ông Hiền dạy nghề cho thì tôi mới được như ngày hôm nay. Trong quá trình theo học, ông Hiền chỉ dạy từng li, từng tí, không dấu nghề nên tôi học hỏi được rất nhiều”.

Cựu binh tâm niệm trong làm ăn phải giữ chữ tín. Nhiều lần làm ra sản phẩm bị khách hàng chê, ông chấp nhận thu hồi. Lúc đào tạo nghề, ông uốn nắn học trò tỉ mỉ. Hơn 40 năm theo nghề, thành công có, thất bại cũng không ít, ở cái tuổi xế chiều ông Hiền đã sở hữu 3 xưởng mộc rộng hàng nghìn m2, thuê hơn 10 nhân công, trả lương một ngày công từ 400.000 đồng đến một triệu đồng. Trung bình một năm, sau khi trừ mọi chi phí, ông lời gần một tỷ đồng. Từ chỗ tay trắng, vợ chồng có tài sản tích lũy hàng chục tỷ đồng.

Căn nhà khang trang của ông Hiền sau hơn 40 năm tích góp

Nói về hành động của ông Hiền, ông Phan Anh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Châu cho biết: “Tại Thạch Châu hiện có 12 chủ xưởng mộc lớn nhỏ, đa phần là học trò của ông Hiền. Ông Hiền cần cù, chịu khó, biết tính toán làm ăn. Ngoài mang lại những giá trị kinh tế, ông Hiền đã giúp giải quyết công ăn việc làm, góp công lớn trong việc đào tạo nghề mộc cho người dân địa phương”.

Quỳnh Nga