Hai điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh quí 1 của các ngân hàng!

(KTSG) – Thu nhập từ lãi thuần và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) sụt giảm là hai điểm nổi bật ghi nhận được từ báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2023 của các ngân hàng.

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong quí 1-2023 chỉ đạt 5.623 tỉ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: THÀNH HOA

Chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập từ lãi

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2023 cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng đã chậm lại rõ rệt, thậm chí một số ngân hàng còn tăng trưởng âm. Nguyên nhân của xu hướng này đến từ sự sụt giảm thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính chiếm tới 75-80% thu nhập hoạt động của các ngân hàng.

Điển hình như tại ABBank, mặc dù thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng này trong quí 1-2023 đạt 2.516 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng gần 100%, đạt 1.725 tỉ đồng. Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần của ABBank chỉ đạt hơn 790 tỉ đồng trong quí đầu năm, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tại LienVietPostBank, thu nhập lãi thuần trong quí 1-2023 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, từ mức gần 2.876 tỉ đồng xuống còn hơn 2.774 tỉ đồng. Điều này là do chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập lãi. Cụ thể, quí 1-2023 ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi là hơn 7.598 tỉ đồng, tăng khoảng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí lãi là 4.824 tỉ đồng, tăng đến 64,6%. Tuy một số hoạt động khác vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức cao, song vẫn không bù đắp được lượng thu nhập mất đi từ việc sụt giảm thu nhập lãi thuần.

Việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao trong nửa cuối năm 2022 đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh quí 1-2023 của các ngân hàng.

Một ngân hàng khác là NCB cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Quí vừa qua, thu nhập từ lãi chỉ tăng 39%, trong khi chi phí lãi phải trả lại tăng tới 71%. Ngoài ra, các nguồn thu nhập khác cũng sụt giảm đáng kể trong khi chi phí liên tục tăng lên.

Tất cả những điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế của NCB chỉ bằng một phần năm so với cùng kỳ năm trước. Hay như tại Eximbank, thu nhập từ lãi quí 1-2023 tăng khoảng 37,4% so với cùng kỳ năm trước song chi phí lãi lại tăng nhanh hơn (hơn 70%). Kết quả là thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt khoảng 1.237 tỉ đồng, giảm so với quí 1-2022.

Thậm chí, một ngân hàng tốp đầu như Techcombank cũng chứng kiến hiện tượng tương tự. Thu nhập từ lãi của Techcombank tăng từ 10.688 tỉ đồng lên hơn 13.732 tỉ đồng (tương đương 28%) nhưng chi phí lãi tăng đột biến gần 180%, lên mức 7.205 tỉ đồng, dẫn đến thu nhập lãi thuần của Techcombank giảm từ 8.111 tỉ đồng xuống còn 6.526 tỉ đồng (giảm gần 20%).

Sự sụt giảm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh truyền thống là nguyên nhân chủ đạo khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quí 1-2023 chỉ đạt 5.623 tỉ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. TPBank và VPBank cũng ghi nhận hiện tượng chi phí lãi vượt qua thu nhập lãi và có tình trạng thu nhập lãi thuần bị giảm sút.

Một số trường hợp điển hình kể trên cho thấy chi phí lãi đầu vào tăng cao trong khi lãi suất đầu ra tăng không kịp, thậm chí nhiều ngân hàng còn phải triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng đã khiến thu nhập của các ngân hàng giảm trong quí vừa qua. Tuy vậy, bước sang quí 2, xu hướng lãi suất huy động đã và đang có sự sụt giảm đáng kể nên chi phí của các ngân hàng dự kiến sẽ bớt áp lực, qua đó mang lại kết quả kinh doanh tích cực hơn cho các ngân hàng.

CASA có xu hướng giảm mạnh

Ngoài hiện tượng chi phí lãi phải trả tăng nhanh hơn thu nhập từ lãi thì báo cáo tài chính của các ngân hàng còn cho thấy trong quí 1-2023, tiền gửi không kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh. Nguyên nhân được cho là khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng như các năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Quân đội (MB), tổng tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm cả tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ) vào cuối tháng 3-2023 ở mức 160.817 tỉ đồng, giảm 10,7% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) giảm từ mức 40,6% xuống còn 35,5%.

Xu hướng này cũng không là ngoại lệ với Vietcombank trong quí 1-2023. Theo đó, trong ba tháng đầu năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank giảm 7,6% xuống còn 387.703 tỉ đồng; tỷ lệ CASA điều chỉnh từ 33,9% xuống 30,4%. Xét về số dư tuyệt đối, Vietcombank hiện vẫn là ngân hàng có thị phần tiền gửi không kỳ hạn cao nhất nhưng xét về tỷ lệ CASA thì Vietcombank chỉ đứng thứ 3 thị trường, sau MB và Techcombank.

Còn tại MSB, tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 8.000 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm, tương đương giảm 22% xuống còn gần 28.500 tỉ đồng, qua đó khiến tỷ lệ CASA của MSB giảm từ 31,1% hồi đầu năm xuống còn 22,6%.

ACB – ngân hàng có tỷ lệ CASA cao thứ 5 hệ thống cũng ghi nhận tỷ lệ này giảm từ 22,3% hồi đầu năm xuống còn 20,16% vào cuối tháng 3. Cơ cấu tiền gửi tại VietinBank cũng tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA của VietinBank điều chỉnh từ 20% xuống 18%.

Đáng chú ý, ngân hàng có tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh nhất trong một năm trở lại đây phải kể đến Techcombank. Quí 1-2023 cũng là quí thứ 4 liên tiếp ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cuối tháng 3 là 124.000 tỉ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm từ 37% xuống 32%. So với kỷ lục từng đạt được là hơn 50% đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của Techcombank đã giảm tới 18 điểm phần trăm.

Theo nhận định của các chuyên gia, CASA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2023. Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động như vừa qua, ngân hàng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường. Bởi CASA càng cao thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

Trên thực tế, việc CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao trong nửa cuối năm 2022 đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh quí 1-2023 của các ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại.