Phát triển dịch vụ phụ trợ tài chính: trễ còn hơn không

(KTSG) – Sau những vụ việc nổi cộm thời gian gần đây liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu bị thao túng, các sàn giao dịch sản phẩm tài chính trực tuyến…, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính trở nên rất cấp thiết. Bên cạnh việc tăng cường tính minh bạch, công khai của sản phẩm dịch vụ tài chính, bảo vệ bên yếu thế hơn trong các quy định…, cũng cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ phụ trợ tài chính.

Vấn đề xung đột lợi ích

Đặc tính tự nhiên của con người là tối đa hóa lợi ích của mình, và do vậy có những trường hợp xảy ra xung đột lợi ích. Chẳng hạn như một đại lý bảo hiểm tư vấn số tiền bảo hiểm nhiều hơn nhu cầu thực tế của khách hàng; một nhà môi giới chứng khoán, vì doanh số của mình mà khuyến nghị khách hàng giao dịch nhiều hơn mức cần thiết; hay một quỹ đầu tư khuyến nghị sản phẩm không phù hợp với hoàn cảnh và khẩu vị rủi ro của khách hàng.

Để hạn chế vấn đề xung đột lợi ích, cần có một bên thứ ba độc lập, hoặc đại điện cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Mô hình tổ chức độc lập thường thấy ở các thị trường tài chính phát triển là các hiệp hội, như hiệp hội những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, hiệp hội những người tham gia bảo hiểm, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính… Vai trò của những tổ chức này không chỉ ở việc thông tin, giáo dục về các sản phẩm dịch vụ tài chính mà còn góp phần vào việc lên tiếng về những bất cập, để lành mạnh hóa thị trường.

Một nhà tư vấn độc lập, thù lao nhận được từ khách hàng, sẽ đại diện khách hàng lựa chọn sản phẩm nào là phù hợp nhất trong số các sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Bên cạnh đó, họ cũng có thể giúp khách hàng rà soát lại các sản phẩm dịch vụ đang có hoặc hỗ trợ các khiếu nại có liên quan.

Vai trò của các nhà tư vấn dịch vụ tài chính độc lập, đại diện cho người tiêu dùng, cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế xung đột lợi ích. Một nhà tư vấn độc lập, thù lao nhận được từ khách hàng, sẽ đại diện khách hàng lựa chọn sản phẩm nào là phù hợp nhất trong số các sản phẩm dịch vụ trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhà tư vấn độc lập cũng có thể giúp khách hàng rà soát lại các sản phẩm dịch vụ đang có hoặc hỗ trợ các khiếu nại có liên quan. Ở nhiều thị trường, nghề hoạch định tài chính cá nhân hay tư vấn tài chính cá nhân là một cấu phần không thể thiếu.

Phổ cập kiến thức tài chính

Để thị trường dịch vụ tài chính phát triển thì kiến thức tài chính (financial literacy) của người dân cũng phải được cải thiện và nâng cao. Bởi vì dù đã có hệ thống các nhà tư vấn độc lập nhưng kiến thức về tài chính của người dân còn hạn chế thì việc lựa chọn nhà tư vấn tốt cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp là một điều không dễ dàng.

Có một nghiên cứu gần đây về mối tương quan giữa kiến thức về tài chính của người dân và việc lựa chọn nhà tư vấn độc lập cho thấy những người có am hiểu về tài chính hơn thì sẽ lựa chọn những nhà tư vấn có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp tốt hơn, cũng như lựa chọn các phẩm tài chính có mức độ rủi ro phù hợp với mình hơn.

Việc phổ cập kiến thức tài chính cho người dân thời gian qua đã được quan tâm ở nhiều nước phát triển, và xu hướng này gần đây đã bắt đầu ở các nước đang phát triển. Các cơ quan như ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và các sản phẩm dịch vụ tài chính là những nơi cung cấp các nguồn học liệu, các chương trình đào đạo cơ bản cho công chúng.

Bên cạnh đó, một số kiến thức về tài chính cũng được lồng ghép hay đưa vào các nội dung ngoại khóa cho học sinh ở bậc phổ thông. Ngoài ra, ở một số thị trường, việc cung cấp các kiến thức về tài chính, về các sản phẩm dịch vụ tài chính cũng là trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ. Dễ nhận thấy nhất là trên trang web của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính thường có một thư mục là Academy hay Education.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Phát triển dịch vụ phụ trợ tài chính là để góp phần giải quyết vấn đề xung đột lợi ích trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính. Tuy vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng.

Thứ nhất là việc ban hành các khung tiêu chuẩn hành nghề và việc cấp giấy phép hành nghề. Trong đó, việc đào tạo và tổ chức thi kiểm tra sát hạch cần được thực hiện nghiêm, đảm bảo sự trung thực khách quan. Đây là một thách thức vì ngay cả ở các nước phát triển, việc gian lận vẫn tồn tại mặc dù các biện pháp xử phạt là rất nặng nề. Với đặc thù của mỗi lĩnh vực khác nhau thì cũng cần các quy định khác nhau như bảo hiểm, đầu tư, kế hoạch tài chính cá nhân tổng thể.

Đặc tính tự nhiên của con người là tối đa hóa lợi ích của mình, và do vậy có những trường hợp xảy ra xung đột lợi ích. Để hạn chế vấn đề xung đột lợi ích, cần có một bên thứ ba độc lập, hoặc đại điện cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và người tiêu dùng trong thế yếu, rất cần được bảo vệ.

Thứ hai là việc thành lập các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành. Đây là nơi xây dựng và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp hành nghề.

Ở một số nước như Pháp, một cá nhân chỉ được hành nghề độc lập khi đáp ứng yêu cầu về giấy phép và phải đồng thời là hội viên của một hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành.

Thứ ba là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Trường hợp ở Việt Nam hiện nay đang có dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chỉ tập trung vào các sản phẩm dịch vụ phi tài chính. Trong khi đó, vai trò và ảnh hưởng của các dịch vụ tài chính với người tiêu dùng là rất lớn, rất cần các quy định riêng.

Thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và người tiêu dùng trong thế yếu, rất cần được bảo vệ. Cùng với việc hoàn thiện các quy định quản lý, giám sát thì cũng cần sớm phát triển các dịch vụ phụ trợ trong các lĩnh vực như đầu tư tài chính, bảo hiểm. Vai trò của các nhà tư vấn độc lập, của các hiệp hội nghề nghiệp là không hề nhỏ trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.