(KTSG) – Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc đầu tuần này trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua và mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là rất thách thức.
Tiếp tục tinh thần đổi mới để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV có hai thay đổi quan trọng.
Thứ nhất, kỳ họp gồm 23 ngày làm việc, được chia thành hai đợt và đều họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6-2023; đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 24-6-2023. Quốc hội “dành một tuần giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết. Thay đổi mang tính kỹ thuật này sẽ giảm bớt áp lực thời gian, qua đó giúp các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, từ đó củng cố niềm tin của người dân với Quốc hội.
Các báo cáo kinh tế – xã hội được trình bày trong ngày khai mạc kỳ họp này cho thấy nền kinh tế và doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng quí 1-2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu.
Trong bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,1%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 206,76 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 107,16 tỉ đô la, giảm 13% (tương ứng giảm 16,08 tỉ đô la). Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước quí 1 chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ; vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân giảm lần lượt 17,9% và 1,2%.
Nếu như vấn đề địa chính trị thế giới, nhu cầu thị trường… là yếu tố không thể can thiệp thì siết lại kỷ cương công vụ và tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp là việc trong tầm tay của Chính phủ và các bộ, ngành để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề còn lại là “cơ hội tăng trưởng” này được tận dụng thế nào mà thôi! Bởi vậy, Quốc hội, hơn lúc nào hết, cần phải thôi thúc Chính phủ chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng dù lớn dù nhỏ để vượt qua giông bão phía trước.
Đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính của tăng trưởng năm nay cũng chưa mang lại kết quả mong đợi. Tuy có cải thiện về số tuyệt đối (tăng gần 15.000 tỉ đồng so với cùng kỳ), song tốc độ giải ngân vẫn chậm, ước bốn tháng đạt 14,66% kế hoạch; và nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì chỉ đạt 15,65% – thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%).
Tình trạng suy kiệt của doanh nghiệp thể hiện rõ nét qua việc tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng lần lượt 21,8%; 39,9% và 10,1%.
Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Tình hình khó khăn được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chỉ có chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng hai năm tới. Đây là những con số ở mức thấp trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát doanh nghiệp thường niên.
Các con số đã nói lên tất cả! Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, xung đột vũ trang Nga – Ukraine chưa thể kết thúc cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng… sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế nước ta. Bối cảnh đó cùng với kết quả phát triển kinh tế – xã hội bốn tháng đầu năm nay càng khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên thách thức.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, trong thời kỳ khó khăn, các nền kinh tế thế giới đều tăng trưởng thấp thì kết quả Việt Nam đạt được rất đáng phấn khởi. Vậy nhưng, bức tranh kinh tế nước ta hiện nay “như cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông nhưng bên trên rất nhiều giông tố”.
Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế cho thấy, “giông tố” không chỉ là những tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài mà còn là những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng, công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt, có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; hiệu quả chính sách có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu.
Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.
Ngay trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ có một số quyết sách nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng như tạo tiền đề cho tăng trưởng. Ví dụ như tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày và kéo dài thời gian tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày nhằm thu hút du khách quốc tế.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ quyết định việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM…
Bên cạnh đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp hữu hiệu để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Nếu như vấn đề địa chính trị thế giới, nhu cầu thị trường… là yếu tố không thể can thiệp thì siết lại kỷ cương công vụ và tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp là việc trong tầm tay của Chính phủ và các bộ, ngành để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Vấn đề còn lại là “cơ hội tăng trưởng” này được tận dụng thế nào mà thôi! Bởi vậy, Quốc hội, hơn lúc nào hết, cần phải thôi thúc Chính phủ chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng dù lớn dù nhỏ để vượt qua giông bão phía trước.