Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhận thức xã hội về vấn đề giới, các bộ phim khai thác chủ đề tình yêu LGBTQ+ cũng dần được đón nhận và có cái nhìn cởi mở hơn từ phía công chúng. Hưởng ứng “Tháng Tự hào” (Pride Month), hãy cùng Đẹp điểm lại 10 tựa phim hay và ý nghĩa rất được yêu mến về đề tài này.
1. “Heartstopper” (“Trái tim ngừng nhịp”, 2022) – Tình yêu có ở khắp mọi nơi
Một bộ phim thanh xuân học đường thuộc thể loại coming-of-age (phim tuổi mới lớn) với motif không quá mới nhưng chắc chắn sẽ đốn tim bạn bởi diễn xuất dễ thương và nội dung chữa lành. “Heartstopper” kể về mối tình lãng mạn giữa Nick – một học sinh nổi bật trong trường và Charlie – một người đồng tính công khai luôn tự ti, khép mình. Bên cạnh câu chuyện tình gà bông LGBTQ+ siêu đáng yêu mà đề cập nhiều vấn đề thực tế bao gồm những thăng trầm của tình bạn và tình cảm gia đình ấm áp, chắc chắn sẽ truyền cảm hứng rất lớn cho những ai đang trên hành trình tìm kiếm chính mình.
Sau thành công vang dội của mùa 1, bộ phim tiếp tục được cho ra mắt phần 2, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống của dàn nhân vật. “Heartstopper” mùa 1 hiện đang được chấm 8.7 điểm IMDb và nhận điểm tuyệt đối trên Rotten Tomatoes, cũng nằm trong danh sách phim được trông đợi nhiều nhất trên Netflix cho mùa 2 sắp ra mắt.
2. “Moonlight” (“Ánh Trăng”, 2016) – Hành trình tìm kiếm bản ngã chính mình
Là phim đầu tiên về chủ đề LGBTQ+ có dàn cast hoàn toàn là da màu, “Moonlight” mang đến những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng không kém phần chân thật và cảm động, dễ dàng chạm tới tâm hồn người xem. Nội dung phim kể về 3 giai đoạn lớn của cuộc đời Chiron – thanh niên da màu đồng tính tại một khu ổ chuột bao quanh bởi tệ nạn, nghèo đói: tuổi thơ được nuôi dạy bởi một người mẹ đơn thân nghiện thuốc, tuổi vị thành niên với những khám phá về bản thân và bị bắt nạt bởi lũ bạn kì thị đồng tính, tuổi trưởng thành với vỏ bọc cứng rắn sau những khó khăn và biến cố. “Moonlight” kết hợp hoàn hảo giữa 2 yếu tố giới tính và sắc tộc, chính vì vậy mà đã xuất sắc đánh bại bộ phim nổi tiếng lúc bấy giờ là “La La Land” để giành tượng vàng Oscar 2017 với giải thưởng Phim hay nhất năm.
3. “Call Me By Your Name” (“Gọi Em Bằng Tên Anh”, 2017) – Bản tình ca mùa hè rực rỡ và đầy tiếc nuối
Lấy bối cảnh diễn ra tại miền quê nước Ý thập niên 80, “Call Me By Your Name” vẫn luôn là tượng đài của khán giả về một thiên đường lãng mạng và đầy thơ mộng. Bộ phim kể về câu chuyện tình ngọt ngào nhưng cũng đầy day dứt giữa hai chàng trai trẻ là Elio – con trai của một giáo sư khảo cổ học và Oliver – nghiên cứu sinh đến ở trọ nhà Elio để hỗ trợ việc nghiên cứu cho ba của cậu. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi định mệnh, cả hai tìm được nhau, giúp nhau hiểu rõ hơn về tình yêu và hiểu rõ hơn về chính bản thân mình.
“Call Me By Your Name” mang đến tất cả những đau đớn và rạo rực của tuổi trẻ, với những kỹ xảo quay dựng thiên nhiên hoàn hảo được lồng ghép khiến người xem ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Bộ phim đã thành công ghi dấu ấn trong lòng khán giả và xuất sắc giành được tượng vàng Oscar 2018 cho giải thưởng Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
4. “Your Name Engraved Herein” (“Cái tên khắc sâu trong tim người”, 2020) – Tình yêu thuần chất nhất chính là yêu thôi
Bộ phim là câu chuyện tình đẹp nhưng đầy đau thương trắc trở của hai chàng trai trẻ là Gia Hán và Birdy, lấy bối cảnh năm 1987 Đài Loan dỡ bỏ Thiết quân luật, khi mà áp lực gia đình và sự kỳ thị đồng tính đang diễn ra mạnh mẽ.
“Your Name Engraved Herein” chạm đến trái tìm người xem bằng những rung động tuổi mới lớn, những va vấp đầu đời của nhân vật trên hành trình khám phá chính mình và những khao khát tình yêu được công nhận trong một xã hội đầy định kiến. Bộ phim kết thúc đọng lại trong lòng người xem những nuối tiếc và day dứt, truyền tải thông điệp tình cảm đơn thuần xuất phát từ trái tim mỗi người, tình yêu nào cũng là tình yêu đẹp và đáng được tôn trọng, không có khuôn khổ và định kiến giới.
5. “Not Me the series” (“Cậu Áy… Không Phải Tôi”, 2021) – Ai cũng xứng đáng được yêu thương và được đối xử bình đẳng
“Not Me” được xem như một làn gió mới đối với nền công nghiệp BL (boy love – tình yêu giữa hai người nam) Thái Lan khi nội dung không chỉ đơn thuần là câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật chính mà còn tập trung vào những vấn đề chính trị – xã hội qua câu chuyện và cách nhìn của những người trẻ.
Bộ phim còn truyền tải mạnh mẽ các thông điệp về nhân quyền, sự bình đẳng của người khuyết tật trong lực lượng lao động thông qua nhiều hình thức: âm nhạc, nghệ thuật vẽ tranh, graffity châm biếm,… Dù bị cấm tại một số quốc gia vì nội dung nhạy cảm, động chạm đến nhiều mặt tối của xã hội thế nhưng “Not Me” vẫn là một trong những bộ phim về LGBTQ+ được đánh giá cao và đáng để xem thử.
6. “Song Lang” (2018) – Khi nghệ thuật dẫn lối con người đến với nhau
Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 80 với sự hưng thịnh của cải lương, bộ phim đã vẽ nên một bức hoạ Song Lang mãn nhãn về chuyện nghề cũng như chuyện đời. Yếu tố sân khấu và đời thực được đan xen trong câu chuyện của Linh Phụng (Isaac) — một kép hát chính và Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) — một tay chuyên đòi nợ thuê. Mỗi con người có một cuộc chiến riêng, một góc khuất riêng và cải lương là thứ đã dẫn lối 2 con người lạ mặt đến với nhau. Tình cảm giữa người với người trong “Song Lang” được khắc hoạ đầy nhân văn và cảm thông. Trong đó, yếu tố đam mĩ được thể hiện hết sức tự nhiên và tinh tế. Sự thành công của “Song Lang” đã mở đường cho tuyên ngôn điện ảnh đầy hứa hẹn về những chủ đề xã hội quan trọng như LGBT.
“Song Lang” mới đây đã lọt vào danh sách 30 bộ phim queer nhạc kịch xuất sắc nhất do tờ Pitchfork bình chọn.
7. “Portrait of a Lady on Fire” (“Bức Chân Dung Bị Thiêu Cháy”, 2019) – khát vọng tự do của phụ nữ thế kỷ 18
Lấy bối cảnh ở Pháp cuối thế kỷ 18, bộ phim kể về cuộc tình lãng mạn ngắn ngủi giữa họa sĩ Marianne và tiểu thư Héloïse – con gái một nữ bá tước giàu có. Marianne được thuê vẽ chân dung Héloïse để gửi cho vị hôn phu của cô nàng mà không được để cho nàng biết. Mối tình của họ dần dần nảy nở, trong một thời đại mà nó bị nghiêm cấm hoàn toàn.
“Portrait of a Lady on Fire” đã thiết lập tiêu chuẩn mới về nhãn quan nữ giới bằng cách trao cho họ quyền tự quyết định mà không có bất kỳ sự phán xét nào như tự do uống rượu, hút thuốc, chơi bài, thậm chí là phá một cái thai ngoài ý muốn,… – những điều dường như không thể xảy ra đối với phụ nữ thế kỷ 18. Bộ phim đã chiến thắng giải Queer Palm dành riêng cho dòng phim LGBT tại LHP Cannes 2019 và là bộ phim đầu tiên của một nữ đạo diễn ở hạng mục này.
8. “Carol” (“Chuyện tình Carol”, 2015) – Thứ tình yêu vượt qua mọi định kiến
Được chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn “The Price of Salt”, “Carol” kể câu chuyện về Therese Belivet – nhiếp ảnh gia trẻ ở New York phải lòng người phụ nữ lớn tuổi, đã có gia đình là Carol Aird. Bộ phim đầy mê hoặc này khiến trái tim bạn đập loạn nhịp ngay cả trong những cảnh yên tĩnh nhất và mang lại cảm giác lạc quan trong tình yêu.
Lấy bối cảnh vào đầu những năm 1950, khi tình yêu đồng giới vẫn chưa được chấp nhận ở các nước châu Âu, bộ phim khắc họa rõ nét quá trình từ tình bạn chuyển sang tình yêu của cặp đôi cũng như chống lại định kiến xã hội về giới tính. Không chỉ được giới phê bình đánh giá cao với hàng loạt giải thưởng danh giá, “Carol” còn được xem là một trong những bộ phim về LGBTQ+ hay nhất trong những năm gần đây.
9. “Blue is the Warmest Colour” (“Màu Xanh Nồng Ấm”, 2013) – Khi màu xanh đại diện cho hạnh phúc, cả tình yêu lẫn tình dục
“Blue is the Warmest Colour” là câu chuyện tình lãng mạng của 1 cặp đôi đồng tính nữ, xoay quanh Adèle 15 tuổi và cuộc sống thay đổi đột ngột của cô khi gặp một sinh viên ngành nghệ thuật với mái tóc xanh tên Emma. Bộ phim tình cảm lãng mạn này là một chuyến tàu thám hiểm ở lứa tuổi thiếu niên. Nhân vật phải đối diện với giới tính thật của bản thân bên cạnh đó là học cách chấp nhận sự phán xét của xã hội, yêu và trải qua cảm giác tan vỡ, đau khổ để rồi có thể trở nên trưởng thành hơn.
“Blue is the Warmest Colour” mang đậm phong cách điện ảnh Châu Âu, tập trung vào cảm xúc nhân vật, đặc biệt là có rất nhiều cảnh nóng gây tranh cãi. Nhưng nhờ sự chân thực và lãng mạn ấy đã giúp phim được đẩy lên tới đỉnh điểm của cảm xúc là yếu tố quan trọng giúp “Blue is the Warmest Colour” thắng Cành cọ Vàng 2013.
10. “The Handmaiden” (“Người Hầu Gái”, 2016) – câu chuyện về vẻ đẹp và bản lĩnh của người phụ nữ
“The Handmaiden” là một bộ phim điện ảnh tâm lý tràn ngập sự căng thẳng, hồi hộp và kịch tính của Hàn Quốc với nội dung xoay quanh chuyện tình yêu đồng tính giữa cô hầu gái người Hàn Quốc Sook-Hee đến phục vụ cho tiểu thư người Nhật Hideko. Cả hai đều là con cờ nằm trong toan tính của các cá nhân khác, song vì đã nảy sinh tình cảm với nhau nên hai người đã cùng lập ra một kế hoạch đánh lừa lại những kẻ xấu xa ấy. Bộ phim thu hút sự chú ý khi ra mắt bởi chứa nhiều yếu tố về tình dục và bạo lực.
Song với kịch bản ấn tượng cùng hình ảnh đầu tư chỉn chu, kĩ năng diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên chính, “The Handmaiden” đã nhận được rất nhiều những đánh giá tích cực, từng gây sốt phòng vé và mang về nhiều giải thưởng danh giá.