Vì sao doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến lạm phát, tỷ giá hối đoái?

Trong giai đoạn gần 10 năm qua, đây là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thể hiện sự quan tâm rất lớn đến các chỉ số ổn định vĩ mô, trong đó đặc biệt là chỉ số lạm phát, tỷ giá hối đoái. Các vấn đề này cũng được xem là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022, trong đó việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin, lạm phát bình quân 6 tháng của Việt Nam ở mức khá thấp so với mục tiêu cả năm, ít có nguyên nhân từ phía điều hành tiền tệ (lạm phát cơ bản thấp). Song, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ lớn hơn (giá hàng hóa thế giới tăng cao sẽ truyền tải vào Việt Nam qua các vòng tác động).

Đồng USD tăng phi mã, Euro mất giá sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, qua trao đổi, doanh nghiệp có chia sẻ rằng 5-10 năm gần đây, ít khi nào họ quan tâm nhiều tới chỉ số kinh tế vĩ mô như năm 2022. Nguyên nhân là do hai năm vừa qua, doanh nghiệp bị “bầm dập” vì dịch COVID-19, khó khăn về sản xuất, thị trường. Song, giờ doanh nghiệp lại đối mặt với thách thức lớn từ đà tăng giá của nguyên vật liệu.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, họ rất quan tâm tới các chỉ số lớn của nền kinh tế, thay vì đây chỉ là việc quan tâm của các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu, các ngân hàng…

Theo đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới chỉ số lạm lạm, chỉ giá hối đoái. Câu hỏi không chỉ vấn đề hiện nay phải đối mặt mà còn dự báo trong thời gian tới về các chỉ số này. “Sắp tới, lạm phát ra sao, tỷ giá hối đoái thế nào, FED điều chỉnh lãi suất ra sao?…” là các câu hỏi mà doanh nghiệp đang băn khoăn.

Về vấn đề tỷ giá hối đoái, ông Bình cho biết nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi đồng USD tăng giá, trong khi đồng Euro mất giá. Các doanh nghiệp ký hợp đồng với thị trường EU thì sẽ chịu tác động như thế nào, cần ứng phó ra sao là vấn đề cần bàn. Chưa kể, động thái tiếp theo của FED trong việc điều chỉnh lãi suất sẽ tạo ra những tác động nào đối với nền kinh tế Việt Nam? Điều này đặt ra lưu ý đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ để có kịch bản phù hợp cho sản xuất, kinh doanh.

Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ lớn hơn.

Hơn nữa, do là nền kinh tế mở nên những tác động từ thị trường thế giới sẽ tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam là hơn 200% GDP, những tác động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp tới phát triển của Việt Nam. Hay nói cách khác là kinh tế thế giới đang đối mặt 3 chữ “bất” là: bất trắc, bất ổn và bất định. Chiến tranh Nga – Ukraine chưa biết thế nào, điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, giá năng lượng… Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng mối lo lớn nhất của Việt Nam cũng chính là lạm phát.

Theo ông Tuấn, lạm phát do chi phí đẩy đang rất rõ như giá xăng dầu, chi phí nguyên liệu sản xuất tăng mạnh hay đồng USD lên giá cũng tạo tác động tới doanh nghiệp nhập khẩu… Còn về tỷ giá, cán cân thương mại hiện đang thặng dư nhưng cán cân thanh toán đang thâm hụt – tạo sức ép lên tỷ giá trong thời gian tới.

Giữ niềm tin cho nhà đầu tư

Chưa kể, gói phục hồi kinh tế sắp tới sẽ được đẩy mạnh giải ngân, tăng cung tiền có nghĩa lạm phát sẽ gia tăng, và vòng quay xăng dầu sẽ tác động 2-3 lần tới mặt bàng giá cả.

“Với bối cảnh bất định bên ngoài, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm nay là thách thức”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh việc giữ niềm tin của nhà đầu tư là rất quan trọng. Việc kiểm soát, thắt chặt chính sách tín dụng với bất động sản, chứng khoán… cần phải thận trọng, có lộ trình, giải pháp mềm mỏng tránh tình trạng điều chỉnh nhanh quá khiến thị trường biến động mạnh.

“Vừa rồi, chỉ một vài tin đồn, sự kiện của công ty lớn đã làm cho thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư tháo chạy, ảnh hưởng không tốt tới thị trường”, ông Tuấn nói.

Ở một góc nhìn tích cực hơn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá chỉ số phục hồi của Nikkei công bố cho thấy Việt Nam đã liên tục cải thiện xếp hạng và mới đây nhất là được đánh giá ở vị trí thứ hai. Đánh giá này tích cực và có cả tính thực chất.

Cần lưu ý, năm 2020, Việt Nam cũng đã được đánh giá là một trong hai nền kinh tế ứng phó, kiểm soát hiệu quả nhất diễn biến dịch COVID-19. Nhờ đó, Việt Nam đã giảm thiểu được những tác động bất lợi của các đợt dịch đối với nền kinh tế. Có được những thành quả ấy một phần quan trọng chính là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời duy trì đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và người dân. Sâu xa hơn, đó là nhờ tư duy hướng tới bảo đảm hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế liền mạch và sâu rộng.

Bà Minh nhấn mạnh những điều này khẳng định một thông điệp mà chúng ta đã thấm thía rất nhiều trong hơn 10 năm qua: Nội dung ổn định kinh tế vĩ mô khó có thể tách rời với cải cách thể chế kinh tế. “Chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ luỵ của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu – tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa – tiền tệ – thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”, bà Minh lưu ý.

Lê Thúy (Theo VNB)