“Cần môi trường tốt để hàng thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững”

Nhiều năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao.

Đây cũng là ngành có biên độ lợi nhuận khá cao so với các ngành kinh tế khác.

Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019), khả năng có thể đạt gần 4 tỉ USD vào năm 2025.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm và gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam – hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu (khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược.

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, hàm lượng xuất khẩu rất cao. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu không cao so với nhiều mặt hàng khác nhưng thủ công mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ với tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.

Để phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, chúng ta cần nhiều nhóm giải pháp về các mặt kinh tế – xã hội, môi trường và thể chế. Về mặt kinh tế, cần hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội.

Ở khía cạnh xã hội, phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, tạo liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Về môi trường, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng hợp chuẩn quốc tế, tuyên truyền, giáo dục, kết hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường sinh thái.

Cuối cùng, về thể chế, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách phát triển và hỗ trợ ngành hàng phát triển một cách bền vững.

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề cho kế hoạch 5 năm 2020-2025, tiếp tục hiện thực hóa Chiến lược kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là phát triển một cách bền vững bao gồm cả 4 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế chính sách, đóng góp vào khát vọng thịnh vượng của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tháng 11-2021 ở Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này cho thấy vai trò của phát triển bền vững đối với ngành thủ công mỹ nghệ.

TS Lê Văn Cành, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ