Ngay cả nhóm “big 4” trước đây neo lãi suất rất thấp, giờ đây cũng đã có động thái nhập cuộc hút tiền gửi với lãi suất cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, nhiều dự báo cho thấy, biên độ lãi ròng (NIM) các ngân hàng năm nay sẽ đi ngang.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay. Lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng tác động lên chi phí của ngân hàng, nhất là khi nhu cầu tín dụng và đầu tư tăng lên, nhưng trước áp lực lạm phát trong nước, thì lãi suất tiền gửi khó giảm xuống.
Lãi suất huy động ồ ạt tăng
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, động thái Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát sẽ làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên.
Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, lãi suất tiết kiệm dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng bị thu hẹp, đồng thời sức ép lạm phát tăng lên khi chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng bình quân 2,25% so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng tăng cao (đến hết ngày 9/6, tăng khoảng 8,16%, cao hơn nhiều so với mức 4,95% của 5 tháng đầu năm 2021), kéo theo nhu cầu vốn tăng
Theo khảo sát của VnBusiness, những tuần qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi 0,3 – 0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Hiện tại, lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên đã khá phổ biến trên thị trường. Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với lãi suất là 7,4%/năm dành cho các kỳ hạn từ 16 tháng trở lên; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với lãi suất 7,5%/năm dành cho kỳ hạn 15 tháng và 7,55%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Còn thống kê lãi suất huy động bình quân của 35 ngân hàng nội địa cho thấy, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng đến thời điểm đầu tháng 6 đã tăng thêm 120 điểm cơ bản so với tháng 3; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 160 điểm cơ bản; kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tăng 250 điểm cơ bản, cho thấy mức biến động của mặt bằng lãi suất trong gần nửa đầu năm khá mạnh.
Đáng nói, đầu tháng các ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” đã nhúc nhích tăng lãi suất. Giới chuyên môn dự báo, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng lớn sẽ đẩy cuộc đua lãi suất thành xu hướng trên thị trường.
“Mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, do áp lực về lạm phát cộng thêm nhu cầu tín dụng tăng cao trong những tháng đầu năm và sức hút từ các kênh đầu tư khác, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi”, một chuyên gia cho hay.
NIM ngân hàng sẽ ra sao?
Nhiều ngân hàng cho biết, lãi suất huy động tăng nhanh đang được xem là rủi ro của hoạt động ngân hàng và thu hẹp biên độ lãi ròng (NIM) của các nhà băng trong 6 tháng cuối năm.
Nhóm phân tích VNDirect đánh giá việc cải thiện NIM sẽ chậm lại, thậm chí giảm do các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Đánh giá về NIM của 9 ngân hàng được khảo sát gồm (VPB, LVB, PGB, MSB, TCB, ABB, TPB, NVB, BAB), công ty chứng khoán VDSC cho rằng, sẽ có sự phân hoá tương đối, diễn biến lãi suất trong quý I/2022 đã chứng minh điều này.
Cụ thể, 5 trong số 9 ngân hàng công bố báo cáo tài chính có NIM giảm trong quý. 3 trên 4 ngân hàng có NIM mở rộng là ngân hàng nhóm 1 – ngân hàng tư nhân quy mô lớn.
Cụ thể, NIM của VPBank tăng từ 9% lên 9,3%, NCB tăng từ 4,5% lên 4,9%. Trong khi đó, NIM của TPBank giảm từ 6,8% trong quý IV/2021 xuống còn 6,4% trong quý I/2022; Techcombank giảm từ 6,9% xuống còn 6,5%, Bac A Bank giảm từ 2,9% xuống còn 2,2%, …
Trong bối cảnh NIM của các ngân hàng có thể đi ngang, nhiều nhà băng đã và đang đầu tư vào công nghệ số hóa để thu hút thêm nhiều khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để bù đắp cho sự suy giảm của lãi suất cho vay; tuy nhiên, quá trình này, theo Yuanta, sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Điển hình, TCB sẽ là một trong các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao (khoảng 22%) dựa trên tỷ lệ an toàn vốn CAR cao (15,1%). NIM nhìn chung sẽ không giảm mạnh nhờ vào tỷ lệ CASA cao nhất trong toàn ngành và tiềm năng lớn để mở rộng cho vay cá nhân. Kết hợp với chất lượng tài sản tốt nhất toàn ngành, VnDirect dự báo TCB sẽ đạt 26% tăng trưởng lợi nhuận ròng trong năm nay với tỷ suất sinh lời ROE là 22%.
Theo: Huyền Anh VnBusiness