Với tốc độ tăng trưởng hơn 4% mỗi năm và ước tính doanh số đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2026, EU là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất đồ gỗ trang trí. Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng và xu hướng ngành trang trí nội – ngoại thất tại thị trường EU” do ITPC tổ chức ngày 10/5/2022, các chuyên gia cho rằng DN cần phải lưu ý nhiều vấn đề.
Đồ gỗ Việt Nam xuất sang EU mới chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu
Ông Nguyễn Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TP.HCM (ITPC) cho biết, EU hiện là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội – ngoại thất lớn thứ 13 của Việt Nam. Đây là khu vực có sức tiêu thụ đồ nội thất chiếm đến 25% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Từ năm 2016 – 2019, nhập khẩu đồ gỗ trang trí của châu Âu đã tăng từ 2,1 tỷ Euro lên 2,5 tỷ Euro. Trong đó, Đức là nhà nhập khẩu đồ trang trí hàng đầu của châu Âu với 22% kim ngạch nhập khẩu, tiếp theo là Hà Lan (13%), Vương quốc Anh (12%) và Pháp (11%).
Dự báo, mảng đồ gỗ trang trí của thị trường này sẽ đạt 5,97 tỷ USD trong năm nay. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm 4,27% trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, dự kiến mảng đồ gỗ trang trí EU sẽ đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2026.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Mỹ và châu Âu chiếm đến 80% thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam và vẫn còn dư địa lớn để phát triển.
Còn theo thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), các DN ngành nội thất đã “kín đơn hàng” đến quý III/2022, thậm chí, một số DN đã chốt xong đơn hàng cả năm 2022 sang châu Âu.
Dù đơn hàng tăng mạnh nhưng số lượng đồ gỗ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ. Gần đây nhất, năm 2021, số đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất sang EU chỉ chiếm 2%, nên DN ngành gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang tác động thuận lợi cho ngành gỗ, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam.
Làm sao vượt “chướng ngại vật”?
Cơ hội lớn, nhưng để có thể xuất khẩu được vào thị trường EU, có rất nhiều điều DN cần lưu ý, trong đó điểm đầu tiên là chắc chắn về hợp đồng.
Một trong những sơ suất lớn mà DN Việt hay mắc phải là khi có đơn hàng thường không xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng do phía đối tác đưa ra, nên khi thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến tranh chấp mà luật sư cũng bối rối không biết phải hỗ trợ DN như thế nào vì những điều khoản hợp đồng này rất bất lợi cho DN.
Bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư Điều hành Công ty TNHH LNT & Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tư vấn: “DN cần lưu ý và kiểm tra đối tác kỹ trước khi giao kết hợp đồng. Trước nhất, phải đọc kỹ và hiểu rõ hợp đồng rồi mới ký. Nếu không hiểu hoặc khó khăn để hiểu thì nên tham vấn các chuyên gia, luật sư, các đơn vị tư vấn, thậm chí là các hiệp hội, các thương vụ hỗ trợ DN từ nước ngoài. DN cần tìm kiếm sự hỗ trợ như vậy để bảo đảm rằng việc giao kết hợp đồng không quá bất lợi”.
Cũng theo bà Hạ Quyên, nhiều nước châu Âu có hệ thống luật rất khác với Việt Nam. Tại EU, một số nước theo thông luật, một số nước theo dân luật, vì vậy, khi giao kết hợp đồng sẽ có một số thuật ngữ theo thông luật rất khó hiểu, cần phải làm việc với đối tác thật kỹ trước khi ký. Bên cạnh đó, DN cần làm việc với các đơn vị vận chuyển để có thể nắm được chứng từ hàng hóa di chuyển như thế nào.
“DN phải chủ động chọn đơn vị vận chuyển để có thể kiểm soát được bộ chứng từ hàng hóa khi đi qua những nước khác nhau. Khi sản xuất các đơn hàng lớn, DN cần phải bảo đảm kiểm soát được tất cả các vấn đề, từ lúc ký hợp đồng cho đến lúc tiền về”, bà Hạ Quyên lưu ý.
Ngoài vấn đề hợp đồng, bà Lê Uyên Thanh Ngọc – Quản lý cấp cao phát triển kinh doanh Công ty Bureau Veritas Consumer Product Services lưu ý thêm rằng, các khách hàng châu Âu rất chú trọng đến vấn đề năng lực và trách nhiệm xã hội của DN…
“Ở châu Âu rất quan tâm về vấn đề hóa chất và họ có hẳn một đạo luật về hóa chất. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên để họ kiểm tra chất lượng sản phẩm khi nhập khẩu vào khu vực này. Vì vậy, các DN Việt Nam muốn xuất hàng vào thị trường này cần đăng ký tên những loại hóa chất có trên sản phẩm đồ gỗ”, bà Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Ông Patrick MUI – Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam cho rằng, sau khi trang bị đủ năng lực để có thể tiến hành giao thương quốc tế, các DN đáp ứng được 4 yếu tố sau nữa là cơ hội chinh phục thị trường châu Âu đã ở trong tầm tay. Đó là: 1/Tính bền vững trong thiết kế; 2/Độ tinh xảo; 3/Hình ảnh thương hiệu; 4/Sản phẩm nhìn qua đã biết cách sử dụng và tạo sự thích thú cho người dùng.
Theo Doanhnhansaigon.vn