Tạo uy tín để giữ bạn hàng bền vững

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Các sản phẩm này gồm sản phẩm gỗ, xe đạp điện và pin năng lượng mặt trời, đều là các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đang có tốc độ tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cảnh báo về tình trạng lừa đảo trong thanh toán mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Câu chuyện 100 container hạt điều xuất khẩu của doanh nghiệp Việt có khả năng bị mất hàng khi đối tác có dấu hiệu lừa đảo là vụ việc đáng quan tâm mà doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn mới phát sinh mới như những tác động từ chiến sự tại Ukraine và các lệnh cấm vận đối với kinh tế Nga khiến doanh nghiệp khó khăn thanh toán và đẩy mạnh xuất khẩu, hay cơn sốt giá dầu lửa tăng kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá đầu vào.

Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước.

Nhìn thẳng thực tế, khi hoạt động giao thương quốc tế hồi phục, hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế nước ta dần tăng tốc thì những khó khăn, trở ngại đối với doanh nghiệp xuất khẩu cũng gia tăng. Trong đó có cả khó khăn về rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu, cả những khó khăn do hạn chế về hiểu biết, kinh nghiệm khi giao thương quốc tế của chính doanh nghiệp Việt Nam và khó khăn đến từ những yếu tố quốc tế khách quan. Tuy nhiên, dù trở ngại nào, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường nhận diện khó khăn, nâng cao hiểu biết luật pháp, lường trước những rủi ro để hóa giải hiệu quả nhằm giữ vững mục tiêu kinh doanh của mình. Với những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí cao về sản phẩm thì việc hiểu rõ quy định luật pháp là rất quan trọng. Với các thị trường dễ tính như châu Phi thì doanh nghiệp cần rất cẩn trọng trong khâu thanh toán, vận chuyển. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn về kỹ thuật, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cần hóa giải hữu hiệu áp lực tăng giá ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Kịp thời đàm phán với đối tác để có được giá thành hợp lý nhất vừa đảo bảo đơn hàng vừa đảm bảo uy tín để giữ bạn hàng bền vững.

Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến của doanh nghiệp toàn cầu, là cứ điểm sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu những tháng đầu năm của nền kinh tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng hữu hiệu những cơ hội từ thị trường mang lại, những khó khăn, trở ngại sẽ được hóa giải hiệu quả tạo động lực gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cho nền kinh tế những tháng tiếp theo.