Những mảnh ghép từ lụa Vạn Phúc
Được sáng lập bởi những người khuyết tật, HTX Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) đã có hơn 4 năm hoạt động và trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều hoàn cảnh không may mắn. Vụn Art vừa là ngôi nhà của đa số những người không may khiếm khuyết, vừa là nơi góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng.
Để có được một HTX Vụn Art như ngày hôm nay, anh Lê Việt Cường, Giám đốc đã tự mình tìm thầy học kỹ thuật làm tranh ghép vải, sử dụng khéo léo nguồn nguyên liệu từ vải thừa, vải vụn ở các xưởng.
“Ban đầu tôi tuyển được 10 người, dùng tiền tích cóp cá nhân để hỗ trợ tiền học, tiền ăn cho họ. Trong thời gian làm Kym Việt, đêm hôm tôi còn đi làm thêm cho các giáo sư lớn tuổi vì các thầy sử dụng máy tính không tốt và tôi có kinh nghiệm chấm bài cho nghiên cứu sinh ngành y, nên cũng có một khoản tích cóp. Sau này, còn được một quỹ hỗ trợ các cháu thuê giảng viên, và tiền ăn trong 6 tháng. Mỗi cháu có khoản kinh phí 1,2 triệu/tháng để yên tâm học nghề”, anh Cường chia sẻ.
Sau khi thành thục, anh bắt đầu vận động người dân để đào tạo với quy mô lớn hơn. Bản thân là một người khuyết tật, anh Cường rất đồng cảm với những khó khăn của những người giống mình, đặc biệt là trong chuyện tìm việc làm. Chính vì vậy, HTX Vụn Art chính là mái nhà yêu thương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật.
Được hỏi vì sao anh lại chọn tên là “Vụn”, anh nói: “Tôi chọn tên “vụn” với ý nghĩa: Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính chúng tôi lại thành mảng lớn hơn, khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình. Khi đó không còn là “vụn” bé nhỏ nữa”.
Hằng ngày, những bạn trẻ khuyết tật vẫn dùng những đôi bàn tay tỉ mẩn với từng mảnh vụn vải nhỏ, cắt, ghép, dán…, tạo thành những bức tranh lớn nhỏ, những chiếc túi vải… đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Từ các bức tranh dân gian Đông Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm… tất cả đều có ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc.
Sản phẩm của Vụn Art phù hợp với mọi đối tượng. Với các bà nội trợ Vụn Art có những mẫu túi, ví phù hợp; với các hội, nhóm, công ty, trường học Vụn Art có những đồng phục đẹp mắt; với những chàng trai, cô gái cá tính Vụn Art có những mẫu áo, túi hiện đại, cá tính; còn với những doanh nhân, nhà giáo Vụn Art lại có bức tranh trang trọng; hay như với trẻ em, Vụn Art lại có những bộ kít ghép tranh khơi gợi óc sáng tạo và tạo tính kiên trì cho trẻ. Không khó để bắt gặp sản phẩm của Vụn Art tại những quán café nổi tiếng tại Hà Nội với những bức tranh treo tường cá tính.
Trong một căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông, hơn chục con người đang cắt dán, đính những mảnh lụa bé xíu tạo nên một bức tranh lân sư múa bên trăng đầy màu sắc trên túi vải. Không đơn giản chỉ là ghép vải, để làm ra sản phẩm phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỳ công, đòi hỏi người ghép phải hội tụ đủ mọi kỹ năng, kỹ xảo, con mắt nghệ thuật tốt và đôi bàn tay khéo léo.
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, đa số các công ty, doanh nghiệp phải làm việc tại nhà. Ở Vụn Art, chỉ một số ít có thể làm việc từ xa còn bộ phận sản xuất vẫn phải đến xưởng để đảm bảo các đơn hàng của khách. Nhân công của Vụn phải chia ca ra làm việc, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch thật tốt, duy trì hoạt động để có thu nhập cho người khuyết tật nơi đây mặc dù bị ảnh hưởng và giảm sút rất nhiều.
Nói về những khó khăn trong đợt dịch Covid-19, anh Cường chia sẻ thêm: “Đối tượng khách hàng chủ yếu của chúng tôi là khách du lịch trong nước và nước ngoài, tình hình dịch bệnh khiến khách không thể đến tham quan du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ duy trì nhân sự để cố gắng đảm bảo thu nhập cho mọi người, đồng thời đẩy mạnh bán hàng online”.
Tái chế vải vụn – bảo vệ môi trường
Tại Việt Nam, ngành dệt may đang phát triển mạnh cùng với những lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải công nghiệp, chủ yếu là vải vụn, từ các xưởng dệt may vẫn đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp, đe dọa môi trường sống.
Theo anh Cường, tranh làm từ vải vụn thì vốn bỏ ra không quá nhiều, chỉ cần thu gom và chọn lọc các loại vải phù hợp rồi cắt ghép tạo hình thành những bức tranh theo mẫu hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, việc tận dụng “rác” sẽ giúp chúng tôi vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường, lại vừa với sức của người làm.
Ở Vụn Art, tận dụng nguồn vải vụn, vải thừa từ chính làng lụa Vạn Phúc, những người thợ đang ngày ngày tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa truyền thống vừa hiện đại. Những miếng vải tưởng chừng như thừa thãi, chỉ để vứt đi, lại có thể được “hồi sinh” một cách sống động, rực rỡ đủ sắc màu.
Ngoài ra, Vụn Art là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sử dụng những mảnh lụa vụn từ làng lụa truyền thống Vạn Phúc để làm chi tiết trang trí lên áo, túi, tranh… Cách họ trang trí lên sản phẩm cũng là một sự sáng tạo, không phải in hay thêu mà là dán, ép nhiệt, vẫn đảm bảo độ bền của sản phẩm, độ thẩm mĩ cao, tiện dụng, thân thiện môi trường lại “không đụng hàng”.
Nhận thấy những tích cực mà Vụn Art đem đến cho môi trường, nhiều xưởng may đã chủ động vận chuyển vải vụn về đây. Chất liệu để sản xuất tranh vải, túi vải thường là vải nỉ, bao bố thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các hoạt động được tổ chức thường xuyên như trải nghiệm làm tranh ghép vải, làm túi thổ cẩm cắt, dán hình… cho các em nhỏ cũng góp phần rèn luyện sự khéo léo và truyền tải đến mọi người thông điệp bảo vệ môi trường, hướng đến một ‘tương lai xanh’.
Hiện Vụn Art đã ký với một công ty đưa khách đến làng lụa Vĩnh Phúc để trải nghiệm cho khách du lịch quốc tế, cũng là một cách để nhiều người biết đến lụa Vạn Phúc hơn. Nhưng năm nay Covid-19 nên nghỉ. Các bạn dẫn khách đi thăm quan làng, trải nghiệm làm thử túi, ví, làm tranh. Công việc này giúp cho người khuyết tật tự tin hơn./.
Thụy Quân