(KTSG) – Nếu chỉ nói về lượng khách nội địa thì giới kinh doanh du lịch đã có mùa làm ăn “không thể tuyệt vời hơn”trong mùa hè này. Tuy nhiên, nếu nhìn về tổng thể hoạt động kinh doanh và chuyện phục hồi thì đây là giai đoạn rất căng thẳng vì thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là với mảng du lịch quốc tế
“Chị quyết định nhanh giúp nhé vì nhà xe không giữ xe lâu được”, nhân viên du lịch hối thúc ngay khi gửi tin nhắn thông tin cho tôi về loại xe và giá dịch vụ đưa – đón từ Sân bay Quốc tế Nội Bài đến cảng tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 14-7 vừa qua.
Nhanh, theo cô là chỉ khoảng chừng mươi phút. Sau thời gian đó, chủ xe sẽ nhận đơn từ khách hàng khác. Cô không nói quá sự thật để thúc ép khách quyết định nhanh mà thực tế, các dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ vận chuyển đã quá tải trong những tháng hè khiến cho việc đặt chỗ cực kỳ khó khăn.
Như hôm đó, do hơi ngần ngừ một chút khi đánh giá loại xe nên tôi đã lỡ chuyến xe và phải nhờ người quen từ một công ty du lịch hàng đầu cả nước đặt giúp. “May mà còn đúng một chiếc, giờ đầu tuần cũng như cuối tuần, gần như không còn xe trống”, người bạn nói vào ngày trước khi tôi khởi hành.
Điểm đến quá tải, chi phí đắt đỏ
Du khách nghỉ hè đông như đi trẩy hội mùa xuân. Hàng loạt trung tâm du lịch kín khách và dịch vụ rơi vào tình trạng khan hiếm.
Sự nhộn nhịp của Cảng Quốc tế Tuần Châu Hạ Long và vịnh Hạ Long vào ngày tôi đến đã cho thấy du lịch hè “nóng” đến cỡ nào. Dù là ngày giữa tuần nhưng hàng chục nhà chờ ở cảng kín khách. Xe du lịch nối đuôi nhau đổ khách xuống trạm làm tắc nghẽn cả một con đường dài. Trên vịnh Hạ Long, hàng trăm tàu du lịch chạy chở khách tham quan, đến đêm đèn từ các tàu phục vụ dịch vụ ngủ đêm sáng cả một góc vịnh.
Cùng với Hạ Long, hàng loạt điểm đến khác như Sapa, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Hội An… cũng đông nghịt. Đặc biệt, Phú Quốc tiếp tục là điểm thu hút khách bậc nhất với trung bình khoảng 140 chuyến bay cùng hàng chục chuyến phà, tàu cao tốc chở khách đi và đến mỗi ngày. Khách ra vào nườm nượp ở ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và điểm vui chơi giải trí trên đảo. Một số nhà điều hành tour cho biết, nhiều nhà hàng thậm chí còn từ chối đoàn lớn từ lữ hành.
“Khách đông khủng khiếp”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói về sự đông đúc ở Phú Quốc cũng như ở nhiều điểm du lịch khác.
Ở công ty này, lượng khách hè năm nay cũng vượt cao điểm hè năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, với hơn 280.000 lượt. Đặc biệt, phân khúc khách MICE, lượng khách kết hợp du lịch với tham gia các sự kiện tăng trưởng tốt nhất, chiếm tỷ lệ từ 60-70% trong tổng lượng khách. Trước đây, tỷ lệ này là chưa đến 50%. Đã có những đoàn MICE đến 2.000 người và nhiều đoàn cỡ từ 500-1.000 người. Tổng lượng khách MICE mà công ty này đón nhận đã vượt khoảng 20-30% so với hè năm 2019.
Lượng khách đoàn trong nước tăng cao lúc này cũng dễ hiểu khi nhiều khách hàng doanh nghiệp dồn dập tổ chức tour cho nhân viên và đối tác sau hơn hai năm phải dừng lại vì đại dịch. Thêm vào đó, việc đi du lịch nước ngoài hiện chưa thông thoáng cũng khiến nhiều công ty chuyển sang các điểm đến nội địa. Tuy nhiên, lượng khách bùng nổ trong mùa hè này tuy đem lại sức sống cho nhiều công ty nhưng ở góc độ khác, lại làm cho việc điều hành khó hơn vì dịch vụ ở điểm đến không đủ đáp ứng và đắt đỏ hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, cho biết đã phải từ chối một số đoàn vì dịch vụ tại điểm đến không đủ chuẩn hoặc chi phí quá cao. Như với dịch vụ ăn uống, trước đây, giá tạm ổn cho một bữa ăn chừng 120.000-150.000 đồng/khách nhưng nay phải là 200.000 đồng mà lại khó tìm được những nhà hàng có thể cung cấp bữa ăn đạt chuẩn cho khách du lịch.
Mảng du lịch nước ngoài, khách quốc tế chưa chuyển động
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong nửa đầu năm nay đã có hơn 60,8 triệu lượt khách đi du lịch nội địa, chỉ thấp hơn so với lượng khách của cả năm 2019 là 24,2 triệu lượt. Số liệu đã cho thấy có sự phục hồi ở thị trường nội địa và sự phục hồi đó chỉ gói gọn ở nhóm doanh nghiệp chuyên mảng du lịch nội địa. Tình hình vẫn rất khó khăn với những công ty kinh doanh cả ba mảng, gồm nội địa, tour đi nước ngoài và tour cho khách quốc tế đến. Đặc biệt mảng tour cho khách quốc tế vẫn chưa có chuyển động đáng kể.
Theo ông Yên của Lữ hành Saigontourist, tuy lượng khách đặt tour nước ngoài có tăng nhưng còn rất khiêm tốn do chính sách phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều điểm đến ở nước ngoài vẫn khá gắt gao. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam cũng không nhiều. Vì vậy, dù đã đón khách đường hàng không, đường sông và chuẩn bị đón khách đường biển vào cuối năm nay nhưng doanh nhân này vẫn nhìn thị trường rất dè dặt.
Ông Toản của Image Travel & Events cũng có nhận định tương tự và cho biết, công ty chỉ có một ít khách lẻ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại với du khách quốc tế từ giữa tháng 3 rồi. Dự kiến, trong mùa du lịch vào cuối năm nay, công ty sẽ đón khoảng 20 đoàn, chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm 2019 – thấp hơn mức kỳ vọng 30% trước đó của công ty.
Lý do, theo ông Toản là bên cạnh các yếu tố khách quan như chiến tranh, chi phí tăng do giá xăng dầu thế giới tăng thì tình trạng thiếu chuyến bay, thiếu các hoạt động tiếp thị điểm đến và việc xin thị thực khó khăn đã làm cho khách quốc tế chưa quay lại Việt Nam.
Thiếu vốn đầu tư
Trên thị trường chung, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ mới có 602.000 lượt khách quốc tế đến trong nửa đầu năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong cả năm của ngành du lịch.
Một số doanh nhân đánh giá, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn vì khủng hoảng thiếu nhân lực, thiếu vốn do ảnh hưởng của đại dịch đã thấm sâu vào doanh nghiệp. Nguồn thu thực tế từ thị trường nội địa không đủ để đảm bảo chi phí vận hành và trả nợ cũ có từ giai đoạn dịch bệnh. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay, bao gồm tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước là không hề đơn giản, nếu không muốn nói là có rất ít doanh nghiệp trong ngành du lịch vay được từ gói này.
“Chúng tôi đã liên hệ ngân hàng từ nhiều tháng qua nhưng vẫn không thể nhận được hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings nói.
Theo ông, phía ngân hàng thường không muốn cho doanh nghiệp du lịch vay vì hầu hết doanh nghiệp đều đã hết hạn mức tín dụng và vẫn lỗ sau hơn hai năm dịch. “Doanh nghiệp lỗ thì không được vay vốn mới mà không có vốn mới thì không thể đầu tư, kinh doanh để hết lỗ. Vòng lẩn quẩn này cứ quay mãi”, ông Kỳ nói.
Ông Phạm Hà – CEO của Lux Group – cũng có cùng nhận định khi cho rằng điều cần nhất hiện nay là vốn đầu tư sản phẩm mới để chuẩn bị đón khách quốc tế vào năm sau nhưng việc tìm nguồn vốn vay chủ yếu là từ ngân hàng hiện nay lại quá khó.
“Nếu không đóng được tàu mới (do không vay được vốn từ ngân hàng – NV) thì sang năm chúng tôi chẳng có gì để bán. Thời điểm phục hồi trong năm 2023-2024 của Lux Group như kỳ vọng xem ra vẫn chỉ là sự kỳ vọng.