(KTSG) – Hiện nay, nhiều chuyên gia đang cho rằng lạm phát tại Việt Nam xuất phát từ chi phí đẩy nên biện pháp hữu hiệu nhất để chống lạm phát là giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu. Việc tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát.
Nhận định trên đã bỏ sót một số khía cạnh quan trọng khác của vấn đề…
Giảm thuế chỉ là một tác nhân
Trước hết, giá năng lượng, xăng, dầu liên tục tăng cao đúng là đã khiến giá cả của hầu hết mặt hàng đều tăng. Tuy nhiên, từ đây suy ra lạm phát của Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, và, tiếp theo, để chống lạm phát thì phải cắt giảm thuế xăng dầu để giảm (áp lực) lạm phát thì vẫn chưa hợp lý.
Giảm thuế xăng dầu đúng là sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp có giảm giá bán sản phẩm hay không lại hoàn toàn là chuyện khác. Họ sẽ không (tội gì) giảm giá bán nếu không ai, không có áp lực nào bắt họ phải giảm giá tương ứng với mức giảm giá của nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào. Họ sẽ chỉ giảm giá nếu nguồn cung sản phẩm cùng loại tăng lên và/hoặc nhu cầu cho sản phẩm đó giảm đi (sẽ nói thêm ở đoạn dưới). Diễn biến của cả hai yếu tố cung và cầu của sản phẩm nào đó không chỉ bị chi phối duy nhất bởi giá nhiên liệu, và quan trọng hơn, theo hướng như tư duy thông thường rằng giá đầu vào giảm thì giá đầu ra (giá bán) cũng giảm tương ứng, hoặc ngược lại…
Cách đây không lâu, Kinh tế sài Gòn cũng có bài viết trích dẫn kết quả khảo sát cho thấy đến 54% mức tăng giá (ở Mỹ) là do doanh nghiệp chủ động tăng giá chứ không phải do chi phí đầu vào tăng. Cũng trong bài viết có ý kiến của chuyên gia cho rằng một khi mặt bằng giá mới được người tiêu dùng chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ không chịu giảm giá dù giá nguyên liệu đầu vào đã nguội đi (1).
Thực tế ở trong nước báo chí cũng đưa tin dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt(2) (3).
Nói cách khác, không có gì đảm bảo rằng ở Việt Nam, khi giá năng lượng, xăng dầu giảm đi thì lạm phát sẽ tự khắc hạ nhiệt. Để điều này xảy ra, cần thêm điều kiện tiên quyết là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành, như nói thêm ở phần dưới.
Nâng lãi suất luôn là một giải pháp căn bản
Chuyển sang ý kiến cho rằng ở Việt Nam nâng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát. Có thể vẫn có nhiều người chưa biết hoặc vẫn bán tín bán nghi với câu đúc kết của một giáo sư kinh tế Mỹ rằng lạm phát mọi nơi và mọi lúc chỉ là một hiện tượng tiền tệ. Vận dụng câu này vào trường hợp của Việt Nam hoàn toàn có thể thích đáng.
Cho dù lạm phát của Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi chi phí đẩy, nhưng một khi NHNN đã tăng lãi suất điều hành thì tổng cầu trong nước sẽ suy giảm, đơn giản bởi cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân giảm đi, kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng giảm tương ứng. Tại mức cung hiện tại, không thay đổi, cầu giảm sẽ làm giảm giá cả, tức giảm lạm phát.
Không có gì đảm bảo rằng ở Việt Nam, khi giá xăng dầu giảm đi thì lạm phát sẽ tự khắc hạ nhiệt. Để điều này xảy ra, cần thêm điều kiện tiên quyết là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành.
Lấy ví dụ minh họa đơn giản là thị trường bất động sản hiện tại. Với việc siết/nắn tín dụng bất động sản, lãi suất cho vay bất động sản tăng lên, giá bất động sản đã có xu hướng chững lại hoặc quay đầu giảm ở nhiều nơi. Giá vật liệu xây dựng, sắt thép cũng bị ảnh hưởng theo đó.
Như vậy, dù giá năng lượng, xăng dầu tăng lên hoặc đứng ở mức cao, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất chính sách thì lạm phát sẽ bị kiềm chế và sớm hay muộn sẽ phải giảm đi. Nói cách khác, lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ trên khía cạnh là tiền trong nền kinh tế đang có nhiều hơn tương đối so với hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá nhất định, và giải pháp tiền tệ luôn là giải pháp căn cơ để trị lạm phát.
Cần biết thêm rằng Singapore là một nước nhập khẩu hầu như toàn bộ mọi thứ hàng hóa nên nước này hiển nhiên là có lạm phát loại chi phí đẩy. Thế nhưng, họ chẳng cần bận tâm tranh cãi mà thi hành không chậm trễ chính sách tiền tệ thắt chặt (thông qua củng cố tỷ giá nội tệ) ngay khi có dấu hiệu lạm phát bắt đầu tăng tốc.
Trở lại với trường hợp Việt Nam. Ngược lại, việc giảm thuế xăng dầu nói trên diễn ra trong bối cảnh NHNN không siết lại chính sách tiền tệ sẽ càng kích thích tổng cầu, như điều xảy ra với mọi chính sách cắt giảm thuế nói chung từ Đông sang Tây. Lưu ý là chính sách giảm thuế chỉ có tác dụng, chỉ nên dùng trong trường hợp cần kích cầu do nền kinh tế đang suy thoái và lạm phát ở mức thấp.
Ngoài ra, những người hoài nghi tác dụng của việc nâng lãi suất điều hành cần lưu ý rằng nâng lãi suất sẽ củng cố tỷ giá tiền đồng và, do đó, giảm áp lực lạm phát. Nếu họ ủng hộ và tán dương một đồng bản tệ giữ giá tốt (tiền đồng ít mất giá) so với các đồng bản tệ khác trên thế giới thì họ cũng nên ủng hộ một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Việt Nam.
Hỗ trợ có chọn lọc để giảm thiểu tác dụng phụ
Hiển nhiên là khi NHNN nâng lãi suất điều hành hoặc Bộ Tài chính không giảm thuế thì sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng. Nhưng điều chỉ đáng và nên quan tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu, không có vị thế thị trường lớn để có thể chi phối giá cả. Họ sẽ càng trở nên khó tiếp cận với nguồn tín dụng ngân hàng và/hoặc không có đủ nguồn lực để chịu áp lực giá cả đầu vào tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian (cho đến khi chính sách tiền tệ siết chặt phát huy tác dụng) trong khi không thể tăng giá bán do vị thế thị trường yếu.
Các chính sách hỗ trợ mang tính chọn lọc trong trường hợp này nên được xem xét và thực thi. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay 2% là một trong những chính sách khá hợp lý, với điều kiện làm đúng và làm tốt để không xảy ra tình trạng “dê đi lạc chuồng vào nhà giàu”.
Tóm lại, dù vì lý do gì chăng nữa thì chính sách tiền tệ luôn là công cụ căn bản và hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Giảm thuế xăng dầu mà không kèm với siết chặt chính sách tiền tệ sẽ không hạ nhiệt được lạm phát.
(1) https://thesaigontimes.vn/lam-phat-doanh-nghiep-va-nguoi-giau/
(2) http://www.haiduongtv.com.vn/xem-tin-tuc/gia-xang-dau-giam-gia-ca-hang-hoa-van-chua-ha-nhiet-136686.html
(3) http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202207/gia-hang-hoa-dich-vu-van-chua-ha-nhiet-3126702/