Tuổi nghỉ hưu của viên chức có trình độ chuyên môn cao có thể thêm đến 5 năm

(KTSG Online) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức làm việc trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

Bác sĩ là đối tượng viên chức đủ điều kiện theo quy định nghỉ hưu ở tuổi cao. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Về đối tượng, Nghị định này áp dụng đối với viên chức có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sỹ hoặc chuyên khoa II; giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn cần bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định. Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Nếu viên chức có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có đủ các điều kiện sau: Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu; có đủ sức khỏe; không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền và có đơn đề nghị được kéo dài thời gian công tác.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2022.

Nguồn: TTXVN