(KTSG Online) – Hàn Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của ngành du lịch. Trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 196.200 lượt khách từ xứ sở kim chi đến Việt Nam.
Theo Cục hàng không Việt Nam, với điểm đến này, cùng với việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội, TPHCM, các hãng hàng không đã khai thác trở lại nhiều đường bay nối Hàn Quốc với những điểm du lịch ở Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng của năm 2022, đã có 954.600 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tốp 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất, ngoài Mỹ, các thị trường còn lại đều từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, với điểm đến gửi khách nhiều nhất hiện nay là Hàn Quốc, cùng với việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội, TPHCM, các hãng hàng không đã khai thác trở lại những đường bay đến một số điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang.
Hồi trước dịch, Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai nhưng nay do Trung Quốc vẫn chưa cho người dân đi du lịch nước ngoài nên Hàn Quốc đã vượt lên đứng đầu bảng.
Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan này cùng Quỹ hỗ trợ Phát triển Du lịch và nhiều doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không đang chuẩn bị thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến điểm đến ở nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các thị trường gần như khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và một số thị trường xa ở châu Âu.
Dự kiến, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản từ ngày 22 đến 25-9 tới, Hội chợ Du lịch thế giới WTM tại Anh từ ngày 7 đến 9-11. Thêm vào đó, cơ quan quản lý – xúc tiến du lịch sẽ tổ các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch và đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu… đến tìm hiểu du lịch.
Trong năm nay, ngành du lịch kỳ vọng sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng khách đến trong 7 tháng qua cùng số lượng đặt chỗ cho mùa đông khách cuối năm, nhiều doanh nhân cho rằng, khó thậm chí là không thể đạt được con số này.
“Năm nay, mảng du lịch quốc tế khó mà đạt mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings nói.
Theo ông, bên cạnh những lý do khách quan như các thị trường lớn là Nhật Bản, Trung Quốc vẫn kiểm soát dịch ngặt nghèo và mất thị trường Nga do chiến tranh thì việc thiếu các hoạt động tiếp thị điểm đến, giá vé máy bay cao và khó khăn khi làm thị thực là những rào cản khiến lượng khách quốc tế đến còn ít.
Trong báo cáo đưa ra vào hôm qua (5-8), ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, đánh giá có ba yếu tố chính đang cản trở quá trình khôi phục của nguồn cầu du lịch là lạm phát, chi phí chuyến bay gia tăng và sự chậm khôi phục của hai thị trường Trung Quốc và Nga.