Thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng đã gần đạt mức dự toán cả năm

(KTSG Online) – Chỉ sau 7 tháng, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã gần cán đích dự toán cả năm. Đây cũng là một trong 3 khoản thu thuế đạt trên 90% so với dự toán sau 7 tháng.

Tốc độ tăng thu thuế TNCN ngày càng lớn

Ghi nhận trong báo cáo thu ngân sách nhà nước 7 tháng từ đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách đã đạt 1,0935 triệu tỉ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77,5% dự toán năm.

Đáng chú ý, dù mới hơn nửa năm, cơ quan thuế đã ghi nhận 3 khoản thu gần cán đích cả năm (đạt trên 90%), bao gồm thu từ nhà, đất (95,1%); thu cấp quyền khai thác khoáng sản (93,4%) và thu thuế thu nhập cá nhân (90,1%).

Ngược lại, có hai khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 54%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 54,4%). Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù thu đạt 72,8% dự toán nhưng giảm 1,4% so cùng kỳ.

Thuế TNCN tăng thu nhờ thị trường bất động sản và chứng khoán sôi động. Ảnh minh họa: TL

Trong dự toán thu năm nay, cơ quan thuế dự kiến thu 118.075 tỉ đồng tiền thuế TNCN, tăng 4,1% so với năm 2021. Với việc đã hoàn thành 90,1% dự toán năm chỉ sau 7 tháng, tổng số tiền cơ quan thuế thu từ thuế TNCN đã đạt sơ bộ trên 106.385 tỉ đồng. Số thu thuế này chiếm khoảng 9,8% tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý và tương đương 15,7% tổng thu nội địa.

Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, với số thu 106.527 tỉ đồng, thuế TNCN đã tăng gấp đôi so với cả năm 2014 và gần đạt số thu cả năm 2020 (108.000 tỉ đồng). Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tiếp tục được tăng lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế, 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc. Dù vậy số thu của sắc thuế này tiếp tục tăng cao, đặc biệt năm 2021 là năm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế, cuộc sống của người dân nhưng số thu vẫn tăng lên 123.000 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, đóng góp lớn nhất vào thuế TNCN là số thu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Bên cạnh đó, các khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng; chuyển nhượng chứng khoán; sản xuất, kinh doanh của cá nhân cũng phải nộp thuế thu nhập. Trong đó thị trường bất động sản và chứng khoán sôi động là một trong những nguyên nhân giúp số thu từ thuế TNCN tăng trong những năm gần đây

Bên cạnh các khoản thu, Tổng cục Thuế cũng báo cáo tổng chi ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 842.700 tỉ đồng, bằng 47,2% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 35,5% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 57,4% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 53,5% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 2.400 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân 7 tháng đầu năm chậm so yêu cầu và cùng kỳ năm trước. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 10,3% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao.

Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh thuế TNCN

Sau đại dịch Covid-19 rồi đến giá cả tiêu dùng tăng cao, chuyên gia cho rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân trở nên lỗi thời và trở thành gánh nặng với người dân… Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư cho rằng các khoản đầu tư chứng khoán, bất động sản, hàng hóa… dù lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Kể từ tháng 7-2020, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là mức giảm trừ lạc hậu khi nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống. Do vậy Luật Thuế TNCN cần được sửa đổi bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con… phải được khấu trừ khi tính thuế.

Chia sẻ với báo chí mới đây, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính thuế cho rằng, quy định cho giảm trừ gia cảnh hiện tại là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. Mức giảm trừ này phải tăng cao hơn nữa.

“Lần sửa đổi sắp tới trong luật cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18-20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng”, ông Thịnh đề xuất.

Không chỉ mức giảm trừ gia cảnh cho các khoản thu nhập cố định, nhiều nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản cũng cho rằng các khoản đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế TNCN.

Với nhà đầu tư chứng khoán thì giao dịch khớp lệnh là tài khoản bị trừ 0,1% hay nhận cổ tức dù cổ phiếu bị pha loãng giá trị nhưng cũng bị tính thuế trên 5%. Với nhà đầu tư bất động sản thì khi bán nhà chưa biết lời lỗ ra sao cũng phải nộp thuế TNCN 2% giá trị giao dịch.

Theo chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân Phan Công Chánh, riêng với khoản thu thuế TNCN trong giao dịch bất động sản cũng đã có quy định rõ ràng. Trước đây, người bán nhà được lựa chọn 2 cách tính thuế, đó là mức khoán 2% trên giá bán, còn nếu có đầy đủ chứng từ thì tính 25% trên thu nhập. Sau vài năm thực hiện thì gặp vướng mắc và quy định được thống nhất thành một cách tính khoán 2% trên số tiền bán ra.

“Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay việc giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng và dữ liệu giao dịch đang được cập nhật tốt hơn thì cần xem xét lại cách tính này cho phù hợp với bản chất của sắc thuế này”, ông Chánh cho hay.