Đồng đô la Mỹ có một tuần tăng giá mạnh trở lại

(KTSG Online) – Các loại tài sản tài chính toàn cầu có một tuần sụt giảm trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá trở lại.

Tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu trong tuần trước vẫn là những thảo luận xoay quanh về mức tăng lãi suất đồng đô la Mỹ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Đồng đô la Mỹ phục hồi mạnh trong tuần qua. Ảnh: L.Vũ.

Trong bối cảnh đó, đồng tiền của Mỹ có tuần mạnh lên so với tất cả các đồng tiền chính khác. Chỉ số Dollar Spot Index của Blooberg, đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ tiền tệ lớn khác, đã tăng tăng 0,3%, hiện chỉ thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với mức cao kỷ lục đạt được vào ngày 14-7.

Theo thống kê của Bloomberg, các đồng tiền lớn trên thế giới trở lại sụt giảm sau tuần tăng mạnh trước đó. Chẳng hạn như đồng won của Hàn Quốc xuống mức yếu nhất trong hơn một thập kỷ, đồng nhân dân tệ cũng lao dốc, tiến gần tới mức thấp nhất trong 2 năm.

Đồng đô la mạnh hơn trong khi các loại tài sản tài chính khác lại giảm. Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô giảm khoảng 1,5% trong tuần qua với bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, dù có tăng nhẹ vào cuối tuần. Dù vậy, đáng chú ý là dầu thô WTI (Mỹ) vẫn phục hồi nhẹ, đóng cửa ở mức 90,77 đô la/thùng.

Thị trường vàng cũng có tuần giảm với mức giảm khoảng 50 đô la Mỹ mỗi ounce. Vàng giao sau kỳ hạn tháng 12 (trên sàn Comex) được giao dịch ở mức 1.763 đô la/ounce, giảm 3% tính theo tuần.

Trang tin vàng Kitco News dẫn lại Marc Chandler, Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, đánh giá đồng đô la tăng mạnh đã gây áp lực lớn cho vàng, thậm chí có thể sẽ trở về lại mốc hỗ trợ 1.750 đô la/ounce.

Thị trường cổ phiếu tại Mỹ cũng giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 có tuần giảm đầu tiên sau 5 tuần, đồng thời ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất hồi cuối tuần trước kể từ tháng 6. Thị trường tiền mã hoá cũng giảm mạnh. Đồng bitcoin đã giảm về trên 21.050 đô la/đồng từ mức trên 25.000 đô la hồi đầu tuần trước.

Tâm lý chờ đợi và theo dõi đang phổ biến với mức lo ngại ngày càng tăng. Theo Bloomberg, chỉ số CBOE Volatility Index, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng mạnh nhất trong hơn hai tuần qua sau khi đi xuống từ tháng 6, trở lại trên 20 điểm.

Theo Công ty chứng khoán VCBS, Fed cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới khác vẫn đang trong quá trình tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát và lần tăng tiếp theo vào tháng 9 được kỳ vọng với mức tăng từ 50 đến 75 điểm cơ bản. Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến khả năng định giá lại các kênh tài sản có mức neo theo các lãi suất dài hạn.

Trong tuần này, thông tin chủ yếu được chờ đợi là bài phát biểu về định hướng điều hành lãi suất của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole. Các nhà phân tích vẫn “chia phe” về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm hay 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 9.

Tuy nhiên, sau những số liệu về lạm phát, các chuyên gia dự báo về mức độ tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tới có sự thay đổi với tỷ lệ khá cân bằng (50/50) cho hai mức tăng 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản, từ tỷ lệ 30/70 trong tuần trước đó, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI.

Tại Việt Nam, tỷ giá trong tuần qua được điều chỉnh tăng nhẹ. Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết sáng ngày 22-8 ở mức 23.222 đồng/đô la, tăng khoảng 62 đồng so với đầu tuần trước. Còn biểu niêm yết của Vietcombank được niêm yết 23.545 đồng/đô la ở chiều bán ra, chỉ tăng nhẹ so với đầu tuần trước.

Ở thị trường vàng, giá vàng SJC được niêm yết quanh mức 66,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, và 67,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, biến động không nhiều dù giá vàng thế giới giảm khá mạnh.