Quảng Ninh – Trung tâm sản xuất mới của miền Bắc

Ngày 24-8-2022, Khu công nghiệp DEEP C tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh với sự phối hợp của CBRE, Navigos Group và sự tham dự của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, Ban xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh.

CBRE ghi nhận nhu cầu cho thuê công nghiệp đang tăng lên cả về số lượng và quy mô nửa đầu năm 2022, trong đó nhu cầu thuê đất có mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là 7% đối với nhà xưởng/nhà kho xây sẵn. Diện tích trung bình khách thuê yêu cầu giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 là 9,4 ha đối với đất nền và 6.700 m2 đối với nhà xưởng (hoặc nhà kho xây sẵn).

Việt Nam thu hút hơn 14 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong sáu tháng đầu năm 2022, trong đó miền Bắc thu hút được 6,7 tỉ đô la Mỹ, nhỉnh hơn miền Nam với 6,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá đất công nghiệp khu vực miền Bắc cạnh tranh hơn và có nhiều lựa chọn hơn cho khách thuê.

Do đó, Quảng Ninh, tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam đã và đang tận dụng những tiềm năng sẵn có để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất. Quảng Ninh đang chuyển đổi từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mỗi nhọn sang một trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ô tô và thiết bị điện tử làm trọng tâm. Để thu hút các nhà đầu tư, Quảng Ninh ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như khẩn trương hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái: giảm thời gian đi cửa khẩu Trung Quốc từ 2 giờ xuống còn 50 phút. Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ thông xe vào ngày 1-9-2022.

Các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động. Quảng Ninh hiện là tỉnh sở hữu hệ thống đường cao tốc dài nhất, tất cả đều do tỉnh đầu tư xây dựng. Hệ thống đường cao tốc này liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc với nhau: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đồng thời kết nối miền Bắc Việt Nam với miền Nam Trung Quốc.

Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, Quảng Ninh đang phát triển các tổ hợp cảng biển – khu công nghiệp với hai dự án quan trọng là Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Nam Tiền Phong (“DEEP C Quảng Ninh”) do DEEP C phát triển tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Các cảng biển xây dựng trong DEEP C Quảng Ninh sẽ kết nối trực tiếp với cảng biển nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng thông qua sông Chanh với dự án nạo vét sông Chanh. Các tổ hợp cảng biển-khu công nghiệp này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển nội địa, thúc đẩy phát triển logistics tại khu vực.

Về khía cạnh lao động, Navigos Group, nguồn cung cấp tuyển dụng hàng đầu ghi nhận Quảng Ninh có lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu lao động trẻ (dân số trong độ tuổi lao động 15 – 64 tuổi chiếm 67%) và năng suất lao động cao.

Cũng tại hội thảo xúc tiến đầu tư Quảng Ninh, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Core5 Quảng Ninh tại DEEP C Quảng Ninh. Đây là dự án phát triển nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế do Indochina Kajima, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đầu tư phát triển. Dự án có tổng vốn đầu tư 23,9 triệu đô la Mỹ hướng đến đón đầu làn sóng đầu tư vào sản xuất tại Quảng Ninh.