(KTSG Online) – Sau 7 tháng giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM chỉ mới đạt 26%, nhất là có nhiều dự án giải ngân “0 đồng”, đang là vấn đề gây áp lực cho tình hình sử dụng vốn của thành phố. Hiện nay số lượng dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước rất lớn, vốn bố trí trung hạn chỉ đáp ứng 21% nên lãnh đạo TPHCM cho biết muốn đề nghị mở trần thêm hơn 120.000 tỉ đồng để đáp ứng tiến độ giải ngân.
Sáng 24-8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết qua khảo sát của HĐND TP việc giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc khó khăn, yêu cầu các đại biểu đề xuất giải pháp, qua đó khắc phục những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.
Số lượng dự án chuyển tiếp rất lớn
Phát biểu yêu cầu giải trình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM, đặt vấn đề về việc địa phương chỉ giải ngân được hơn 61% tổng kế hoạch trong năm 2021. Đặc biệt, TPHCM có 100 dự án giải ngân 0 đồng.
Qua công tác giám sát, HĐND thành phố nhận thấy việc lập kế hoạch vốn ngân sách nhà nước có tình trạng chưa sát khả năng thực hiện. Điều này dẫn đến việc không phân bổ hết kế hoạch được giao. Mặt khác, UBND TPHCM còn chậm trong khâu giao vốn, chưa đảm bảo thời gian theo quy định khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Báo cáo trong phiên giải trình, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế. Trong khi đó, một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ; tổ chức thực hiện công tác lập dự án chậm so với thời gian quy định.
Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan. Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.
Về năng lực và công tác quản lý điều hành dự án của chủ đầu tư, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục…
Về việc giải ngân chậm, ông Mãi cho rằng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc là một trong những nguyên nhân chính. Thành phố thực hiện khâu này còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các bên.
“Thời gian tới, công tác giải phóng mặt bằng, giao vốn là vấn đề lớn của thành phố khi hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và triển khai xây dựng vành đai 3, vành đai 4. Thành phố cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thì công tác này mới tốt hơn được”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.
Ông cũng cho biết dự án chuyển tiếp sang giai đoạn này rất lớn. Do đó thời gian này gần như dành ngân sách đầu tư công để giải quyết các dự án chuyển tiếp. Cụ thể, số dự án chuyển tiếp của TPHCM hiện nay là 1.191 dự án, chiếm đến 48% tổng vốn trung hạn 2021-2025.
Tỷ lệ bố trí vốn 21%, muốn nới trần vốn trung hạn
Nói về công tác bố trí vốn, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỉ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của thành phố.
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỉ đồng).
Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố được UBND TP xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, giải trình, trong năm 2020 và 2021, thành phố chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh đã gián tiếp làm giảm thu ngân sách. Do đó, để cân đối vốn đầu tư công, thành phố cần đảm bảo tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng kỳ vọng, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung gỡ vướng về thủ tục đầu tư, đất đai. Điều này vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương về dài hạn.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cũng đưa ra giải pháp, thời gian tới, các địa chỉ nhà, đất công sử dụng chưa hiệu quả sẽ được rà soát, kê khai, báo cáo để phục vụ phát triển công trình công cộng. Đối với nhà, đất của các bộ, ngành trung ương nằm trong quy hoạch, thành phố sẽ kiến nghị Bộ Tài chính đôn đốc các bên liên quan rà soát, chuyển giao cho thành phố nhằm tạo giá trị phát triển.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, nhu cầu đầu tư công ở TPHCM rất lớn khoảng 672.000 tỉ đồng và thành phố thu gọn các công trình trọng điểm là 260.000 tỉ đồng. Tuy nhiên thành phố được duyệt bố trí trung hạn 142.000 tỉ nên muốn đề nghị mở trần trung hạn lên 120.000 tỉ đồng nữa để đáp ứng được nhu cầu đầu tư.
“Để làm được điều này tùy thuộc vào tốc độ và giải ngân trong giai đoạn này mới có cơ sở để đề xuất. Vì hiện nay thành phố giải ngân tốc độ chậm với tỷ lệ thấp thì rất khó để đề xuất nới trần. Bên cạnh đó thành phố cần phải rà soát lại các nguồn thu từ đất để tăng thu lên, nghiên cứu các cơ chế thu hút đầu tư xã hội quá cho các công trình trong thành phố để giảm áp lực vốn ngân sách. Chúng ta cố gắng tính toán các cơ chế tạo nguồn thu cho thành phố để thực hiện nhiều công trình lớn trong thời gian tới”, ông Mãi cho hay.