Lợi nhuận doanh nghiệp bị ‘đảo chiều’ sau kiểm toán

(KTSG Online) – Lợi nhuận luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 của một số doanh nghiệp “đảo chiều” từ lãi thành lỗ sau soát xét báo cáo tài chính khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này không được giao dịch ký quỹ.

Công ty cổ phần Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 217,1 tỉ đồng trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, giảm hơn 180 tỉ đồng so với báo cáo tự lập.

Lợi nhuận của Thaiholdings giảm mạnh sau kiểm toán. Ảnh minh hoạ: H. Thắng.

Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính nửa đầu năm là 233 tỉ đồng, giảm 93,9 tỉ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính tự lập được công bố trước đó.

Lý giải điều này, lãnh đạo Thaiholdings cho biết doanh nghiệp có Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội được sở hữu chéo bởi Công ty cổ phần – Tập đoàn Thaigroup và Công ty cổ phần Thaiholdings dẫn đến quan điểm giữa kế toán Công ty cổ phần Thaiholdings và đơn vị kiểm toán có sự khác nhau về việc “điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tương ứng cho những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết từ ngày đầu tư (ngày kiểm soát công ty con) đến ngày báo cáo” khi Công ty cổ phần – Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội.

Một khoản mục khác có sự chênh lệch giữa báo cáo trước và sau soát xét là “lợi nhuận khác”. Trên báo cáo đã soát xét, con số này là âm 1,94 tỉ đồng, trong khi báo cáo trước đó là âm 22,9 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Thaiholdings, sự thay đổi này là do Công ty cổ phần – Thaigroup (công ty con) ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh tiền phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ các kỳ trước là 21 tỉ đồng. Trên báo cáo tài chính đã soát xét của Thaiholdings, kiểm toán đã ghi nhận theo đúng kỳ kế toán phát sinh đồng thời làm lợi nhuận khác trong kỳ tăng một khoản tương ứng.

Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) âm 86,5 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập ghi dương 39 tỉ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp ghi âm 68,2 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập ghi dương gần 32,2 tỉ đồng.

Lý giải điều này, đại diện SHS cho biết phải giữ nguyên phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở khoản mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ tại báo cáo tài chính đã kiểm toán, thay vì ghi nhận tại khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán như trong báo cáo tự lập.

Cụ thể, hơn 240 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu GEX của SHS được chuyển sang mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ tại báo cáo đã kiểm toán. Còn tại báo cáo tự lập, SHS ghi nhận 95,5 tỉ đồng cổ phiếu GEX ở khoản mục tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ và 147,3 tỉ đồng ở nhóm tài sản tài chính sẵn sàng để bán.

Tương tự, doanh nghiệp cũng chuyển hơn 740 tỉ đồng sang mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ tại báo báo đã kiểm toán. Còn tại báo cáo tự lập, doanh nghiệp ghi nhận 421 tỉ đồng ở khoản mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ và 322,3 tỉ đồng ở khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán.

Điều này khiến chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ sau soát xét tăng gần 13 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Còn chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính tăng 138,4 tỉ đồng.

Với việc chuyển từ lãi sang lỗ sau khi công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã loại cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) và cắt margin từ ngày 23-8.

Công ty cổ phần Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (mã chứng khoán: MAC) đã điều chỉnh lợi nhuận từ mức dương gần 130 triệu đồng trên báo tự lập thành âm hơn 4,4 tỉ đồng trên báo cáo đã kiểm toán. Sự thay đổi này là chủ yếu tới từ việc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng chi phí tài chính gấp 25 lần so với báo cáo tự lập do hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp của MAC tăng hơn 3 tỉ đồng do tăng chi phí cho nhân viên và dự phòng phải thu khó đòi.

Việc tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm trên báo cáo tài chính đã kiểm toán khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp vượt mức 30 tỉ đồng tính tới ngày 30-6-2022.

Những điều kiện này, theo công ty kiểm toán, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Cũng tại báo cáo tài chính đã kiểm toán, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến kết quả hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi.

Với công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán: VKC), lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính đã kiểm toán âm hơn 191 tỉ đồng, tăng khoảng 166 tỉ đồng so với mức âm hơn 24,6 tỉ đồng trên báo cáo tự lập.

Những điều chỉnh lớn tại các khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác đã dẫn tới sự thay đổi tại khoản mục lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp tại báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp là 82,5 tỉ đồng, tăng gần 69 tỉ đồng so với báo cáo tự lập do phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi với giá trị hơn 65 tỉ đồng.

Chi phí khác của doanh nghiệp ở mức 102,8 tỉ đồng, hơn 102 tỉ đồng so với báo cáo tự lập do công ty phải ghi nhận giá trị khoản tồn kho thiếu không xác định.