Đó là những kiến nghị đáng chú ý trong văn bản của 25 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã đồng loạt ký vào ngày 29-8 để gửi đến Bộ Công thương, UBND TPHCM, Sở Công Thương TPHCM và các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố về “Trải lòng khuất mắc về tình hình hoạt động thực tại”.
Theo nội dung văn bản, các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều nỗi lòng xót xa của doanh nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa thấy cơ quan nhà nước và Sở Công Thương quan tâm và thấu hiểu.
Theo các doanh nghiệp, hiện nay, mỗi khi có biến động địa chính trị trên thế giới thì chỉ lo đến tập đoàn và những đầu mối nhập khẩu mà quên đi các đại lý, cửa hàng bán lẻ của tư nhân như họ.
“Tất cả các doanh nghiệp đều phải được bình đẳng như nhau vì đầu tư kinh doanh là kiếm tiền bằng cả tâm trí. Nhưng hiện nay còn rào cản cơ chế thị trường và do sự điều hành bất cập của các bộ ngành liên quan. Chúng ta là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện lẽ ra tỷ suất lợi nhuận phải được đảm bảo bằng hoặc cao hơn như những ngành nghề khác để duy trì hoạt động phục vụ tốt cho người dân”, theo nội dung trong văn bản.
Văn bản của 25 doanh nghiệp đồng ký tên cũng nêu các bất cập đang tồn tại và người tiêu dùng quan tâm hiện nay đó là việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu. Dẫn kỳ điều hành định kỳ vừa qua (tức vào ngày 22-8), 25 doanh nghiệp này đặt ra vấn đề: “Tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa?”.
Theo nhiều người tiêu dùng, bản chất của trích lập quỹ bình ổn xăng dầu là chính người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu?
Cũng trong văn bản “Trải lòng” này, các doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Tại sao Nhà nước ép buộc các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa, vậy có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh? Vậy sao Nhà nước không bù lỗ cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân để duy trì mục tiêu phục vụ cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, hoặc là 200 đồng thì các đại lý vẫn không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh; chưa kể, hiện nay nguồn cung cũng rất hạn chế. “Trong khi đó, chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước… đã khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng”, nội dung văn bản thể hiện, và cho rằng: “Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”.
Trước những khúc mắc, khó khăn hiện nay, các đại lý kinh doanh xăng dầu kiến nghị Nhà nước nên bỏ trích quỹ bình ổn vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn kiến nghị cần hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống không nhập hàng làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra tình trạng khan hiến cục bộ như hiện nay.
“Nhà nước cần rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh năng lượng”, các doanh nghiệp kiến nghị trong văn bản.
Về cơ chế giá thành bán lẻ, doanh nghiệp kiến nghị doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động; rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ để tránh tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm.
Hiện nay mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối khi có sự cố thì doanh nghiệp bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác. Do đó, các doanh nghiệp này kiến nghị cơ quan chức năng cho các cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh, vừa đáp ứng được nguồn hàng.