Biến cỏ hoang thành sinh kế ‘thuận thiên – thuận nhân’

(KTSG) – Ở các vùng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu hơn vào nội đồng khiến các vùng canh tác lúa ngày càng bị thu hẹp và việc chuyển dần đất lúa sang nuôi tôm cũng đang trở thành một xu thế. Tuy nhiên, việc canh tác tôm đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật và điều kiện môi trường. Ấy là chưa kể đến những rào cản cần phải bỏ đi như định kiến giới (người phụ nữ bị hạn chế vào các vuông nuôi tôm do mê tín, cho đó có thể là sự xui xẻo).

Người nghèo, vốn kiến thức ít ỏi khó đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe này nên phải bỏ quê đi lên các đô thị lớn và khu công nghiệp ở Cần Thơ, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Đặc biệt ở các vùng ven biển, trong gần hai thập niên qua, số dân di cư có cao hơn đáng kể so với các vùng khác, điểm lưu ý là tỷ lệ lao động nữ trẻ di cư cao hơn lao động nam cùng độ tuổi. Trận đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 đã làm tan tác lực lượng lao động di cư nghèo, nhiều người trong số họ phải rồng rắn hồi cư về các vùng quê, sống lây lắt chờ thời.

Các loại giỏ đan từ cỏ năn tượng của HTX MCF Mỹ Quới.

May thay, một sáng kiến ra đời từ các nhà khoa học và doanh nhân ở Đại học Cần Thơ khi họ phát hiện cây năn tượng (Scirpus littorialis) – một loại cây họ thảo bản địa sống tốt ở các vùng nước lợ mặn (độ mặn dưới 20‰, tốt nhất trong khoảng 8-12‰) có thể phát triển mạnh trong các ao nuôi tôm, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm. Cây năn tượng mọc khỏe, không cần phân bón, ít chăm sóc, phù hợp nuôi xen canh tôm – cua ở các vùng ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang hay vùng nhiễm mặn như Hậu Giang. Chưa kể, loại cây này có thể hấp thu trên 90% tổng lượng đạm nitrate và trên 40% tổng lượng lân có trong nước. Năn tượng có những tuyến ống rỗng trong thân giúp mang oxy trong không khí xuống lớp bùn trong ao, có tác dụng tích cực trong cải tạo chất lượng nước và cố định lượng carbon, giảm phát thải khí nhà kính. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong cuộc chiến đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, việc trồng cây năn tượng với tỷ lệ phù hợp trong ao (khoảng 30% diện tích mặt thoáng) sẽ giúp ổn định và điều hòa nhiệt độ nước, giúp tôm có nơi núp bóng, không bị sốc nhiệt khi nhiệt độ tăng gay gắt trong mùa khô hạn.

Một điều thú vị hơn là cây năn tượng được dùng như một loại nguyên liệu rất tốt trong ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, như làm sợi đan giỏ xách, chế tạo các mặt hàng trang trí khá bắt mắt và thân thiện với môi trường.

Tạo việc làm – sinh kế cho phụ nữ qua việc sử dụng cây năn tượng làm giỏ xách.

Tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần MCF Việt Nam (từ Quỹ Bảo tồn Mekong do Tiến sĩ Dương Văn Ni là Giám đốc) cùng Công ty cổ phần Vietnam Houseware, với sự ủng hộ của UBND xã Mỹ Quới, đã lập ra Hợp tác xã MCF Mỹ Quới vào cuối năm 2021. Hợp tác xã lúc ấy tập trung chủ yếu cho việc tạo sinh kế cho người dân tại chỗ qua việc biến cây năn tượng thành các mặt hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đến các quốc gia khác. Nơi đây quy tụ khoảng 2.000 lao động nông thôn, phần lớn là phụ nữ.

Nhờ có sinh kế tại chỗ tương đối ổn định và thuận lợi, nhiều người phụ nữ bỏ ý định rời quê lên các đô thị hay khu công nghiệp tìm việc làm. Tính ra thu nhập của người thạo việc trung bình khoảng 150.000 đồng/ngày. Hiện nay giá cây năn tượng tươi khoảng 600-700 đồng/ký, giá sau khi phơi khô là 6.000-7.000 đồng/ký. Trung bình từ 7-8 ký năn tươi sau khi phơi sẽ thu được 1 ký năn khô.

Như vậy ngoài các loại lác, bàng (vùng đất nhiều nước phèn), thân chuối, lục bình (vùng đất có nước ngọt), cây năn tượng (vùng đất có nước mặn, lợ ven biển) trở thành cứu cánh cho người lao động nông thôn, đặc biệt phụ nữ. Họ có thể nhanh chóng nắm bắt tay nghề, không cần phải di cư, làm vừa sức, có thể trông nhà, trông con và có thu nhập tạm đủ sống. Cây năn tượng hiện nay được xem là cây xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng di cư của các lực lượng lao động tại chỗ ở vùng nước mặn. Việc phát triển cây năn tượng trong ao nuôi tôm – cua cũng góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác vùng ven biển.

Hiện nay, một số bạn trẻ, tốt nghiệp Đại học Cần Thơ cũng đã về đây làm việc, đang cố gắng tạo thêm cho sinh kế này thương hiệu và thương mại bền vững. Có thể nói việc biến loại cỏ hoang – cây năn tượng – thành một loại hình sinh kế nông thôn có ý nghĩa vừa thuận thiên, vừa thuận nhân.

(*) Trường Đại học Cần Thơ