Áp lực tỷ giá tháng 9

(KTSG Online) – Trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, tỷ giá gần như đi ngang, nhưng áp lực lên tiền đồng là khá lớn, trong bối cảnh thị trường tài chính chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 này.

Tiền đồng vẫn giữ sự ổn định khi đô la Mỹ tăng giá liên tục. Ảnh: L.Vũ

Số liệu cho thấy trước thềm kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ gần như đi ngang với biến động ở mức thấp.

Theo đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 31-8 là 23.219 đồng/đô la, tăng nhẹ khoảng 8 đồng so với hôm thứ 2 và giảm khoảng 12 đồng so với cùng kỳ tuần trước đó.

Tương tự, tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 23.600 đồng/đô la ở chiều bán ra, tăng 50 đồng so với hôm đầu tuần, nhưng lại gần như đi ngang so với tuần trước đó.

Trong tuần trước, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng có diễn biến cũng tương tự. Tỷ giá có lúc bật tăng nhưng sau đó hạ nhiệt và trở lại diễn biến đi ngang như hiện tại. Tỷ giá trên thị trường tự do cuối tuần trước giao dịch vẫn quanh mức 24.160 đồng/đô la ở chiều bán ra.

Tính đến cuối tháng 8, ước tính của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tiền đồng đã giảm 0,37% so với đồng đô la so với tháng trước, và giảm 2,64% kể từ đầu năm.

Cùng lúc đó, chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng đô la với rổ ngoại tệ mạnh khác, lại tăng thêm 3,13% so với tháng trước và 13,73% so với cùng kỳ. Nhiều đồng tiền của các nước châu Á tiếp tục diễn biến giảm mạnh so với đồng đô la, chẳng hạn như đồng Won Hàn Quốc giảm 11,15% so với hồi đầu năm.

Theo đánh giá của SSI, so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng có diễn biến ổn định hơn khi chỉ mất khoảng 0,07% so với tuần trước. Điều này một phần nhờ NHNN sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá.

Trên thực tế từ tháng 6 đến nay, NHNN vẫn liên tục và đều đặn sử dụng các công cụ để hút-bơm tiền trên thị trường để điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng bán đô la từ nguồn dự trữ để giảm bớt phần nào căng thẳng cung cầu trên thị trường.

Tuy nhiên, theo SSI, áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó đồng đô la vẫn đang có xu hướng mạnh lên. “Chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán đô la”, báo cáo của SSI nhận định.

Tiền đô tăng mạnh sau khi Chủ tịch Jerome Powell của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố Fed sẽ duy trì nâng lãi suất tiền đô cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến phố Wall và cả tỷ giá các quốc gia khác, không chỉ ở Việt Nam. Tỷ giá vì thế sẽ tiếp tục “ngóng” lãi suất trong cuộc họp điều chỉnh lãi suất của Fed trong tháng 9 này.

Khối phân tích của BVCS đánh giá áp lực mất giá hiện tại tiền đồng chủ yếu đến từ việc đồng đô la Mỹ tăng giá, trong khi đó các chỉ báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát thấp hơn, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Theo đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, tiền đồng sẽ không mất giá quá 3% trong năm nay.