(KTSG) – Một trong những vấn đề lấn cấn liên quan đến việc duy trì hay bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, thường được biết đến là room tín dụng, là tác động của nó đến lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và giới chuyên gia vẫn cho rằng việc duy trì room tín dụng sẽ ngăn chặn chạy đua lãi suất (huy động) giữa các ngân hàng thương mại, từ đó kiềm chế được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, nên tiếp tục duy trì room tín dụng là điều cần thiết(1).
“Không cô thì chợ vẫn đông”
Theo cách hiểu của phía ủng hộ duy trì room tín dụng, sự tồn tại của room tín dụng buộc các ngân hàng chỉ huy động vốn để cho vay trong hạn mức mà NHNN cho phép. Nếu hết hoặc vượt quá room thì ngân hàng sẽ dừng huy động, tức sẽ không còn có thể tác động đến hay đẩy lên cao mặt bằng lãi suất huy động nữa.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã chứng kiến một xu hướng rõ ràng về tăng lãi suất huy động ở hầu hết các ngân hàng thương mại, đẩy mặt bằng lãi suất huy động liên tục lên cao hơn qua các tháng. Cho dù có thể ai đó vẫn ngần ngại gọi đây là một cuộc chạy đua lãi suất thì vẫn cần nhận thấy rằng xu hướng đẩy cao lãi suất huy động hiện nay diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hoặc gần hết, thậm chí là vượt room tín dụng được NHNN cấp cho họ từ đầu năm.
Mà không chỉ có năm nay. Cuộc đua lãi suất hay một cái gì đó tương tự hầu như là một câu chuyện trường kỳ, thường xuyên diễn ra trong hàng chục năm qua, kể cả khi room tín dụng được chính thức áp dụng, và kể cả khi đa số ngân hàng đã chạm trần room tín dụng(2) (3) (4).
Room tín dụng không thể ngăn được chạy đua lãi suất trên cả lý thuyết lẫn thực tế. Có hay không room tín dụng thì ngân hàng vẫn có nhu cầu tự thân và được phép chạy đua lãi suất một cách hợp pháp khi cần.
Cho nên, nếu nói là nhờ có room tín dụng mà các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất huy động được thì rõ ràng đây chỉ là sự nói lấy được, không đúng với thực tế. Nói cách khác, room tín dụng không ngăn chặn được sự hình thành và tăng nhiệt của các cuộc đua lãi suất, là điều sẽ được giải thích thêm ở phần sau.
Cũng cần biết thêm rằng, đối mặt với các cuộc đua lãi suất này, thường NHNN phải nhượng bộ, làm dịu thị trường bằng cách tung ra thêm thanh khoản (bơm thêm tiền) hoặc nới room tín dụng. Lý do thường là áp lực của thị trường, của Chính phủ, cũng như nỗi lo về sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong các cuộc đua lãi suất. Điều này càng làm cho mục đích tồn tại của room tín dụng, như được biện minh, trở nên nhạt nhòa.
Tại sao room tín dụng không ngăn được cuộc đua lãi suất?
Lý do đầu tiên làm cho room tín dụng không ngăn được các cuộc đua lãi suất nằm ngay chính ở việc vi phạm room mà không bị xử lý. Hiện có ngân hàng đã cho vay quá room được cấp. Dù thế, ngân hàng vẫn tham gia cuộc đua lãi suất cùng với các ngân hàng khác như không hề có điều gì xảy ra(5). Và cũng như thường lệ, chưa thấy NHNN công bố hay có kế hoạch áp đặt chế tài gì đối với những vi phạm kiểu này. Hậu quả tiếp theo như thế nào (lên tính chính danh của room tín dụng) thì chắc cũng không cần phải dự đoán.
Tiếp đó, như đã nói, thường thì NHNN sẽ chạy theo thị trường khi có cuộc đua lãi suất nóng lên đến mức căng thẳng, bằng cách bơm thanh khoản hoặc nới room tín dụng. Rủi ro đạo đức kiểu này, kết hợp với việc NHNN “bỏ qua” các vi phạm như nói trên, đương nhiên tạo ra vòng xoáy tiêu cực – các ngân hàng mặc sức chạy đua huy động vốn nếu cần mà không lo bị xử lý và rồi thế nào thì NHNN cũng sẽ “vào cuộc” để hỗ trợ hệ thống nói chung và từng ngân hàng nói riêng.
Lý do khác nữa là cho dù ngân hàng đã tiệm cận room tín dụng, không cho vay mới được nữa, và giả sử NHNN rất nghiêm khắc với việc tuân thủ room tín dụng thì ngân hàng vẫn không thể ngừng hoàn toàn huy động và duy trì vốn huy động để đáp ứng được một số yêu cầu hoạt động cơ bản, nên vẫn phải đảm bảo một lãi suất huy động đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân khách gửi tiền, tức là sẽ không thoát khỏi cuộc đua tăng lãi suất. Và xin nhấn mạnh rằng, tham gia cuộc đua lãi suất kiểu này hoàn toàn là hợp pháp, bất kể có room tín dụng hay không.
Đối với các ngân hàng vẫn còn room tín dụng, nhất là các ngân hàng nhỏ, yếu, họ luôn trong tình thế phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh được với những ngân hàng lớn, mạnh hơn.
Trong những bối cảnh mà tín dụng/thanh khoản căng thẳng, như được thể hiện qua việc nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh đến mức cạn room tín dụng thì việc tăng lãi suất của các ngân hàng dù là nhỏ và hoàn toàn hợp pháp cũng sẽ châm ngòi cho cuộc đua lãi suất, lôi kéo theo các ngân hàng lớn nhập cuộc dù chỉ để bảo vệ thị phần.
Cuối cùng, room tín dụng được xác định một cách khá định tính, và quan trọng hơn, không được luật hóa (một cách minh bạch, rõ ràng, nhất quán), nên không thể tránh khỏi sẽ có sự mâu thuẫn với các chỉ tiêu hoạt động an toàn mà chính NHNN ban hành, được luật hóa khác.
Giả sử ngân hàng vẫn còn dư địa cho vay nếu căn cứ vào, chẳng hạn, chỉ tiêu về vốn tối thiểu nhưng lại bị trói tay bởi room tín dụng mà vì một lý do nào đó được cấp rất hạn hẹp dẫn đến ngân hàng không còn room để cho vay nữa. Lúc đó, sẽ là phi lý, phạm luật nếu khăng khăng áp dụng room tín dụng để buộc ngân hàng không được cho vay mới nữa, và hy vọng họ không chạy đua tăng lãi suất huy động.
Phải chăng cũng chính vì vấn đề danh không chính ngôn không thuận này mà NHNN chưa hoặc không thể làm căng chuyện vi phạm room tín dụng?
Tóm lại, room tín dụng không thể ngăn được chạy đua lãi suất trên cả lý thuyết lẫn thực tế. Có hay không room tín dụng thì ngân hàng vẫn có nhu cầu tự thân và được phép chạy đua lãi suất một cách hợp pháp khi cần.
(1) https://cafef.vn/nen-siet-hay-noi-room-tin-dung-20220830111351979rf2022090318325503.chn
(2) https://tuoitre.vn/nhieu-ngan-hang-lai-chay-dua-lai-suat-20190829230411522.htm
(3) https://baodautu.vn/ngan-hang-chay-dua-thanh-khoan-cuoi-nam-d158104.html
(4) https://baodauthau.vn/chay-dua-lai-suat-bao-gio-thi-dung-post10804.html
(5) https://zingnews.vn/nhieu-ngan-hang-da-can-room-tin-dung-post1341596.html