Nghề làm thuyền nan tại phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã có từ 400 năm nay. Là sản phẩm mang truyền thống văn hóa, hữu dụng trong cuộc sống mưu sinh của người dân nhưng hiện nay thuyền nan Nam Hòa đang đương đầu với nhiều sóng gió từ thị trường, thậm chí có nguy cơ thất truyền…
Tại mảnh đất thuần nông Quảng Yên, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, người dân đã lưu giữ và phát triển nhiều nghề truyền thống của dân tộc, trong đó có nghề đan ngư cụ ở phường Nam Hòa.
Nghề đan ngư cụ tại làng Hưng Học, phường Nam Hòa là nghề truyền thống với lịch sử lâu đời có từ lâu đời. Sản phẩm là các loại ngư cụ như lờ, đó, dậm và đặc biệt là thuyền nan. Khoảng 400 năm trước đây, những sản phẩm này được làm ra để dùng trong sinh hoạt gia đình và phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Từ thuở đó, đan ngư cụ và thuyền nan đã dần trở thành nghề thủ công truyền thống và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.

Ngày nay làng nghề Hưng Học là một trong những địa điểm tham quan của du khách khi đến Quảng Ninh. Tuy nhiên, khách mới chỉ dừng chân để tham quan và tìm hiểu về nghề, chứ chưa có những sản phẩm bày bán, hoặc chuỗi dịch vụ nào đi kèm.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Anh Sáu (SN 1957), người có trên 50 năm làm nghề thuyền nan truyền thống bày tỏ niềm trăn trở về những gì thuyền nan Nam Hòa đang gặp phải: “Hiện nay, những người còn giữ, làm nghề truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân lớn nhất là sản phẩm làm ra không thể bán được, trong khi đó để làm ra một sản phẩm mất rất nhiều công đoạn, sức người…”

Ông Sáu không giấu nổi lo âu. Ông cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, nhiều những sản phẩm trước đây được làm bằng mây tre đan đã bị thay thế bằng các nguyên vật liệu khác. Ví dụ như những chiếc giá, rổ, mẹt… đều có thể thay thế bằng vật liệu nhựa, nhôm. Việc các vật liệu thay thế có sức bền, giá thành rẻ hơn là “cơn gió lớn nổi lên trong sóng dữ” khiến thuyền nan Nam Hòa khó lòng chống đỡ.
Hơn nữa, những người làm nghề có nhiều kinh nghiệm đa phần đã chuyển nghề làm thợ xây, phu hồ. Lớp trẻ thì đi lập nghiệp bằng các ngành nghề có giá trị kinh tế cao hoặc đi làm công nhân với mức thu nhập ổn định. Vì vậy mà nghề làm thuyền nan đang đứng trước rất nhiều thách thức để có thể trụ vững và phát triển.
Các cấp chính quyền cũng đã đưa ra giải pháp giúp thuyền nan Nam Hòa, đó là hướng từ sản phẩm truyền thống sang làm sản phẩm lưu niệm phục vụ cho du lịch phục vụ cho du khách. Do đó, từ năm 2019, thuyền nan Nam Hòa đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, ông Sáu cho biết, để làm ra một sản phẩm mất rất nhiều công sức. Sản phẩm cũng được hỗ trợ mang đi trưng bày ở các Hội chợ OCOP tại Quảng Ninh nhưng rất khó bán. Mỗi năm, nếu may mắn cũng chỉ bán lẻ được hơn chục sản phẩm mặc dù chúng được làm rất kỳ công. Những chiếc thuyền nan nhỏ nhắn giống y đúc những chiếc thuyền nan thật, với đầy đủ mái chèo, các phụ kiện,…

Vân Anh