(KTSG) – Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an mới có kết luận điều tra, gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch CTCP Louis Holding, Louis Capital và Louis Land, và các bị can liên quan khác về tội thao túng thị trường chứng khoán. Hiện trạng lãnh đạo các công ty đại chúng “làm càn”, “nhởn nhơ phạm luật” đã và đang là một khối u ngày càng lớn cần được loại bỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những hành xử thiếu chuẩn mực
Đã từ lâu, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã quen thuộc với thuật ngữ “đội lái” và người ta đồn với nhau rằng “trùm cuối” của những đội lái này chính là những vị chủ tịch “đầy quyền lực” của những công ty đại chúng. Và rồi, một số vị chủ tịch đã bị bắt với cáo buộc về hành vi thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất nhiên, người bị hại chính là những nhà đầu tư.
Những vụ án vừa qua chỉ là bề mặt của tảng băng chìm, bởi lẽ tình trạng vi phạm pháp luật của cá nhân lãnh đạo các công ty đại chúng vẫn luôn diễn ra một cách âm ỉ.
Theo thống kê của người viết, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan quản lý đã ban hành khoảng 220 quyết định xử phạt các cá nhân vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Trong số đó, có gần 40% cá nhân vi phạm là chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban giám đốc, thư ký công ty, giám đốc tài chính, kế toán trưởng của công ty; 5% cá nhân vi phạm là thành viên ban kiểm soát, ban kiểm toán nội bộ; khoảng 25% là người liên quan của người quản lý công ty; số còn lại là các cổ đông lớn, cổ đông kiểm soát.
Việc yêu cầu cá nhân vi phạm thôi đảm nhiệm các chức vụ tại các công ty đại chúng trong một thời hạn nhất định sau khi có những vi phạm gây tổn hại đến công ty, nhà đầu tư và niềm tin của thị trường là một gợi mở cần xem xét.
Vi phạm phổ biến nhất liên quan đến tính minh bạch, trung thực trong việc công bố thông tin, báo cáo về giao dịch cổ phiếu. Khoảng một nửa quyết định xử phạt là liên quan đến hành vi “mua bán chui” cổ phiếu như: không báo cáo/báo cáo không đúng/không công bố về dự kiến giao dịch; giao dịch ngoài/trước khoảng thời gian sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin; giao dịch vượt quá/không đúng giá trị chứng khoán đã đăng ký.
Những hành vi này vừa là cơ hội trục lợi của lãnh đạo công ty đại chúng và người thân của họ nhưng cũng vừa là một “cú ra đòn” triệt hạ niềm tin và gây ra rất nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư khác.
Bên cạnh đó, những khuất tất khác trong hành vi giao dịch của các đối tượng này cũng xuất hiện rải rác và bị phát hiện. Đơn cử như việc đăng ký mua/bán cổ phiếu nhưng không tiến hành mua/bán cũng không báo cáo lý do. Công bố thông tin mua/bán một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Nhiều trường hợp liên tục mua bán để xác lập vị thế cổ đông lớn hoặc không còn tư cách cổ đông lớn nhưng không công bố thông tin/không báo cáo. Hay mua bán với số lượng lớn cổ phiếu nhằm xác lập vị thế cổ đông kiểm soát nhưng không tiến hành đăng ký chào mua công khai theo quy định của luật.
Nghiêm trọng hơn là hành vi thao túng giá cổ phiếu. Ngoài trường hợp ông Đỗ Thành nhân và người liên quan nói trên, ngày 29-3-2022, ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC) và nhiều lãnh đạo khác của công ty này đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, người viết cũng thống kê được có sáu quyết định xử phạt hành chính đã được ban hành với sáu cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán từ đầu năm 2021 đến nay.
Những thông tin được cung cấp ở trên phần nào đã phác thảo nên một lát cắt về thực trạng hành xử thiếu chuẩn mực của không ít lãnh đạo công ty đại chúng đã bị cơ quan giám sát phát hiện.
Đâu chỉ có thế, nếu quan sát rộng hơn có thể thấy còn nhiều vấn đề xoay quanh lối hành xử của lãnh đạo công ty đại chúng. Từ những giao dịch mập mờ chứa đựng xung đột lợi ích đến những phát ngôn trực diện, bóng gió về giá cổ phiếu của những công ty mà mình đang lãnh đạo. Đơn cử như báo chí cũng vừa đưa tin về việc một công ty niêm yết tạm ứng cho chủ tịch công ty hơn 1.000 tỉ đồng rồi lại bảo là “hạch toán nhầm”.
Hay thỉnh thoảng, ta lại bắt gặp một phát ngôn nào đó của một chủ tịch công ty, một lãnh đạo cấp cao tập đoàn đưa ra nhận định về giá cổ phiếu một cách chắc nịch, thậm chí như một lời cam kết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hay một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Sau phát ngôn ấy, giá cổ phiếu “chạy” loạn xạ nhưng cũng chưa thấy ai bị “trọng tài” của thị trường rút thẻ vàng, thẻ đỏ hay thổi còi việt vị.
Xử phạt thôi chưa đủ
Cách đây khoảng bốn năm, chỉ với một dòng tweet của vị chủ tịch công ty trên Twitter, Tesla đã phải đồng ý đóng phạt 20 triệu đô la Mỹ và Elon Musk phải từ chức Chủ tịch Tesla sau những hành động pháp lý của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). SEC cho rằng thông tin vị chủ tịch này đưa ra sai lệch và dễ gây hiểu nhầm cho các nhà đầu tư nên đã tiến hành khởi kiện. Nhiều chuyên gia đã đưa ra bình luận và đánh giá rất cao hành động thực thi pháp luật nghiêm khắc của SEC và SEC xứng đáng là một chỗ dựa vững vàng để bảo vệ công chúng đầu tư.
Không chỉ ở Mỹ, xu hướng giám sát nghiêm ngặt hành xử của lãnh đạo các công ty đại chúng cũng đang ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia. Tại Thái Lan và Singapore, điều kiện về lãnh đạo công ty là một điều kiện định tính quan trọng để một công ty được niêm yết trên sàn giao dịch.
Đơn cử như tại Thái Lan, bên cạnh yêu cầu về trình độ chuyên môn, quy định về điều kiện niêm yết của nước này yêu cầu người quản lý công ty (thành viên hội đồng quản trị, người điều hành, người kiểm soát công ty) không vi phạm quy định pháp luật, quy tắc, quy chế, nghị quyết hay thỏa thuận niêm yết của sở giao dịch chứng khoán, không có những vi phạm gây bất lợi nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hoặc quyết định của cổ đông và nhà đầu tư. Đây cũng được xem là điều kiện để duy trì niêm yết.
Nếu trong quá trình niêm yết, người quản lý có vi phạm quy tắc hành xử dành cho người quản lý công ty do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch ban hành, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào cách thức thực hiện, bản chất, động cơ, mục đích và mức độ ảnh hưởng của hành vi để quyết định khoảng thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý của người này tại công ty.
Rất nhiều hành vi được xem là vi phạm quy tắc hành xử của người quản lý được liệt kê nhưng có điểm chung là đều liên quan đến tính trung thực, minh bạch, xung đột lợi ích, sự cẩu thả hay có ảnh hưởng xấu đến lợi ích cổ đông. Thời hạn cấm đảm nhiệm vị trí quản lý tại các công ty đại chúng có thể từ 6 tháng đến 10 năm.
Trở lại bối cảnh của Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta không thiếu các quy định liên quan tới các chế tài nghiêm khắc để xử lý vi phạm của lãnh đạo các công ty đại chúng. Đồng thời, hệ thống các chế tài đã dần có sự tiệm cận với thông lệ quốc tế. Thế nhưng, nếu chỉ dừng ở mức xử phạt thôi dường như chưa đủ. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc hành xử mang tính chuẩn mực dành cho lãnh đạo các công ty đại chúng và cần áp dụng thêm những biện pháp khác, bên cạnh xử phạt.
Việc yêu cầu cá nhân vi phạm thôi đảm nhiệm các chức vụ tại các công ty đại chúng trong một thời hạn nhất định sau khi có những vi phạm gây tổn hại đến công ty, nhà đầu tư và niềm tin của thị trường là một gợi mở cần xem xét. Bất kỳ ai, một khi đã hành xử thiếu chuẩn mực, không tôn trọng công chúng đầu tư thì không còn đủ tư cách để làm lãnh đạo tại các công ty đại chúng nữa.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM