Bàn giao gần 3 ha đất đã xử lý sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa

(KTSG Online) – Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố đã xử lý gần 3 ha đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tương đương khối lượng hơn 19.300 m3 đất hoàn thổ có hàm lượng dioxin nhỏ hơn 21,5 ppt theo đúng thiết kế được phê duyệt.

Khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ảnh tư liệu: TTXVN

TTXVN đưa tin, ngày 7-3, Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tổ chức lễ bàn giao hoàn trả mặt bằng đã xử lý dioxin khu vực Tây – Nam sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tại buổi lễ, USAID công bố đã xử lý gần 3 ha đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tương đương khối lượng hơn 19.300 m3 đất hoàn thổ có hàm lượng dioxin nhỏ hơn 21,5 ppt theo đúng thiết kế được phê duyệt và được đầm nét, tạo mặt bằng thoát nước cũng như trồng cỏ chống xói mòn bề mặt. Đây là khu vực đầu tiên trong sân bay Biên Hòa được xử lý sạch dioxin.

Ngoài ra, USAID cũng công bố một hợp đồng mới trị giá hơn 70 triệu đô la Mỹ để xử lý và làm sạch đất và bùn ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Hiện USAID đã lựa chọn nhà thầu thiết kế và xây dựng khu xử lý. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xử lý hơn 100.000 m3 trong tổng số khoảng 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa được khởi công vào tháng 4-2019 với tổng kinh phí khoảng 450 triệu đô la, dự kiến phải mất 10 năm để hoàn thành. Đây là dự án xử lý dioxin lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với quy mô gấp gần 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Năm 2021, USAID đã xử lý xong nhiều diện tích đất nhiễm dioxin ở hồ Cổng 2 (tiếp giáp sân bay Biên Hòa) và đã bàn giao cho ngành chức năng Việt Nam.

Sân bay Biên Hòa được coi là khu vực ô nhiễm dioxin nặng nhất Việt Nam với khoảng 500.000 m3 đất và trầm tích phải xử lý dioxin, đứng thứ nhì là sân bay Đà Nẵng và thứ ba là sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định). Theo kết quả nghiên cứu của USAID, có 72.900 m3 đất nhiễm dioxin cần xử lý tại sân bay Đà Nẵng và 7.500 m3 tại sân bay Phù Cát . Nguồn: TTXVN