(KTSG Online) – Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư qua hình ảnh trái ngược của hai nhóm doanh nghiệp nội – ngoại. Để bắt bắp nhịp với xu hướng tiêu dùng đã thay đổi sau dịch Covid-19, nhiều nhà kinh doanh đã tái cấu trúc và thay đổi mô hình của điểm bán.
Từ tháng 4 tới trung tuần tháng 7 vừa qua, hệ thống Bách Hóa Xanh đã đóng khoảng 300 cửa hàng và sẽ còn tiếp tục đóng nhiều cửa hàng nữa trong thời gian tới. Việc cho đóng hàng trăm cửa hàng và trả mặt bằng trong một khoảng thời gian ngắn của Thế Giới Di Động khiến dư luận thắc mắc về hiệu quả kinh doanh của hệ thống này.
Gần đây, người phát ngôn của của Thế Giới Di Động (MWG) đã giải thích, những cửa hàng Bách Hóa Xanh phải đóng cửa và trả mặt bằng là do không đáp ứng theo chuẩn mới của cửa hàng.
Theo đó, từ tháng 4 vừa qua, nhà bán lẻ này triển khai việc thay đổi cách bố trí của hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh, chuẩn hóa diện tích và chỉ tập trung vào khoảng 2.000 -3.000 mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, thường xuyên. Dự kiến trong quí 3 này, toàn bộ cửa hàng hiện hữu sẽ hoạt động với cách bố trí mới.
Đại diện đơn vị này cũng cho biết, đến giữa tháng 5 rồi, có hơn 50% trong tổng số khoảng 2.100 cửa hàng đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.
Nếu là người theo dõi mảng bán lẻ hoặc là cổ đông của MWG thì thông tin đóng cửa hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh như trên không phải là quá bất ngờ. Từ đầu năm nay, MWG cũng đã tuyên bố tạm dừng mở mới Bách Hóa Xanh để cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận, tập trung cho các chuỗi mới hơn.
“Năm nay Bách Hóa Xanh sẽ tập trung rất lớn vào tăng trải nghiệm và chất lượng sản phẩm để tăng số lượng khách hàng, tăng doanh thu trên mỗi shop. Chuỗi không tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên khi doanh thu đủ lớn thì điểm hòa vốn có thể xuất hiện”, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói.
Việc thay đổi cách bố trí cửa hàng, tăng trải nghiệm mua sắm của Bách Hóa Xanh cũng không phải là trường hơp cá biệt. Mô hình siêu thị nhỏ và cửa hàng ngày càng chứng minh tính ưu việt, hiệu quả sau dịch bệnh. Do đó, không riêng Bách Hóa Xanh mà các nhà bán lẻ khác cũng đang đẩy mạnh, cải tiến hệ thống kinh doanh này.
Việc một doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ phải mạnh tay cắt bỏ, tái cơ cấu những hoạt động kém hiệu quả cho thấy thị trường này đang đến một giai đoạn mới. Ở đó những mô hình cũ với chi phí tài chính cao sẽ khó có cơ hội để cạnh tranh. Điều này cũng cho thấy, đã có sự dịch chuyển rất lớn về hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Trên thực tế dịch bệnh khiến nhiều người tiêu dùng đã chuyển dần thói quen mua sắm, từ trung tâm thương mại (TTTM) lớn sang các cửa hàng nhỏ lẻ, từ trực tiếp sang trực tuyến, từ thói quen thanh toán tiền mặt qua chuyển khoản…
Giới chuyên gia trong ngành rằng, trước sự thay đổi này, các nhà bán lẻ cần nắm bắt xu hướng để có thể chuyển mình nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, chủ đầu tư các chuỗi bán lẻ quy mô lớn – nhỏ, cho biết trong thời gian dịch bệnh các siêu thị, doanh thu của những cửa hàng quy mô nhỏ trong hệ thống này tăng lên rõ rệt, trong khi lượng khách tại các Trung tâm Thương mại như AEON Mall giảm mạnh.
Theo ông, tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi rất nhiều sau đợt giãn cách xã hội kéo dài buộc ngành bán lẻ phải có những thay đổi để đáp ứng và phát triển. “Đây là một năm rất quan trọng và sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ”, ông Yasuyuki nói.
Về sự thay đổi của AEON Việt Nam, ông cho biết các TTTM sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và đa dạng phương thức bán hàng. Với mô hình siêu thị vừa và nhỏ, nhà bán lẻ Nhật Bản này sẽ phát triển chuỗi siêu thị AEON MaxValu tại Hà Nội. Với hệ thống siêu thị Citimart, AEON đổi mới, nâng cấp và tiếp tục tìm địa điểm để mở mới các siêu thị.
AEON đang tìm những mặt bằng ở trong khu dân cư hay trong những khu tòa nhà để giảm chi phí. “Những cửa hàng vừa và nhỏ này sẽ chú trọng đến việc cung cấp thực phẩm chất lượng tươi ngon với giá cả phù hợp với khả năng mua sắm của khách hàng khu vực xung quanh”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
Thêm vào đó là tập trung phát triển các nhãn hàng riêng và đẩy mạnh bán hàng online.
Mô hình siêu thị nhỏ và cửa hàng đang chứng minh tính ưu việt, hiệu quả sau dịch bệnh. Do đó, không riêng AEON mà các nhà bán lẻ khác cũng đang đẩy mạnh, cải tiến hệ thống kinh doanh này.
Những nhà bán lẻ khác như Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại TPHCM (Satra) cũng sắp xếp lại chuỗi, đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả ở tất cả các mô hình và thay đổi để tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Cùng thời gian với Bách Hóa Xanh đóng cửa hàng loạt thì Central Retail, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan lại công bố thông tin sẽ rót thêm 20.000 tỉ đồng vào Việt Nam trong 5 năm tới. Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail cho biết sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành hiện nay lên 55 tỉnh thành cả nước.
Việc này cũng nhằm tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh và đạt doanh thu 65.000 tỉ đồng đến năm 2026, một mục tiêu đầy tham vọng vì trong vòng 10 năm qua Central chỉ đạt hơn 25.000 tỉ đồng. Công ty cũng hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại…
Trên thực tế, mục tiêu và sự kỳ vọng cao của Central Retail không phải là không có cơ sở khi mà thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục tăng trưởng trên 10% trong những năm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Trong năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, tổng mức bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam trong vẫn tăng trưởng 0,2% và lập kỷ lục mới về doanh số, vượt mốc 173 tỉ đô la Mỹ.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành công thương, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, dư địa thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn lớn nhưng để giảm giá bán và có giá cạnh tranh trên thị trường, các chuỗi bán lẻ phải có số lượng điểm bán nhiều để có thể thương lượng giá tốt với nhà cung cấp và nâng nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng.
Trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ với tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục “lót ổ” đầu tư sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh về sau.
Điều này cũng lý giải vì sao mà Central Retail Việt Nam dù đang sở hữu hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2 nhưng vẫn tiếp tục rót vốn mở rộng điểm bán; AEO cũng phát triển nhanh với kế hoạch đến năm 2025 sẽ đạt ít nhất 15 TTMS AEON, chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu đạt 100 cửa hàng ở Hà Nội…
Các nhà bán lẻ khác như MM Mega Market, MUJI, Uniqlo … cũng cho biết tăng cường mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Trước làn sóng thâm nhập ngày càng tăng của các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước cũng gia tăng đầu tư dù không rầm rộ như doanh nghiệp ngoại.
Như ở Thế giới Di động, cùng với tái cấu trúc lại chuỗi Bách Hóa Xanh, các chuỗi kinh doanh khác cũng đang được đầu tư mạnh. Trong đó, dự kiến đến cuối năm nay, số lượng cửa hàng TopZon, bán lẻ ủy quyền các sản phẩm Apple chính hãng sẽ tăng từ 50 cửa hàng lên 200 cửa hàng; chuỗi cửa hàng thuốc tây từ 500 lên 800 nhà thuốc và đến năm sau sẽ là 2.000 nhà thuốc.
Trong khi đó, Saigon Co.op cũng dự định, trong năm 2022, sẽ mở từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và khoảng 80-100 điểm bán lẻ nhỏ.
Với chuỗi WinMart/WinMart+ của Masan, số lượng các điểm bán sẽ được nhân rộng do nhà bán lẻ này đã chính thức phát triển mô hình nhượng quyền cửa hàng.
Với xu hướng người tiêu dùng đến các siêu thị mini, cửa hàng có diện tích từ 300-1.000 m2 thì việc mở điểm bán mới là không khó vì cơ hội thuê mặt bằng loại này hiện khá dễ dàng vì thị trường vẫn còn nhiều mặt bằng trống.
Việc xin giấy phép mở cửa hàng loại này cũng không khó như đầu tư TTTM vốn cần diện tích lớn trong khi quỹ đất trống ở các đô thị lớn không còn nhiều.
Tuy nhiên, về lợi nhuận thì việc kinh doanh những cửa hàng quy mô vừa và nhỏ lợi nhuận không cao và một khi mở chuỗi thì doanh nghiệp sẽ phải mở với số lượng lớn.
Như ở AEON Việt Nam với mô hình cửa hàng Max Value, để kinh doanh hiệu quả thường phải đạt ít nhất 100 cửa hàng. “Với những cửa hàng nhỏ, chúng tôi tìm những mặt bằng ở trong khu dân cư hay trong những khu tòa nhà để giảm chi phí. Kinh doanh những cửa hàng quy mô vừa và nhỏ lợi nhuận không cao”, ông Yasuyuki chia sẻ.