(KTSG Online) – Rủi ro bất cân xứng thông tin luôn là một vấn đề lớn của bất kỳ thị trường chứng khoán nào. Tại thị trường Việt Nam, với hơn 1.800 doanh nghiệp niêm yết có thông tin công bố với chất lượng “thượng vàng hạ cám”. Điều này ngày càng trở nên quan trọng hơn khi dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ đang là chủ đạo.
Tại tọa đàm “Làm sao để đón làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ?”, trong khuôn khổ sự kiện “Lễ Vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2022” do Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), Tạp chí điện tử FiLi và Vietstock đồng tổ chức ngày 15-9, các chuyên gia cho rằng hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian qua đã có sự thay đổi đáng kể, dù vẫn còn những điểm hạn chế khi tình trạng thao túng chứng khoán ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Theo báo cáo “Khảo sát về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2022”, do VAFE phối hợp cùng Vietstock thực hiện, có 385 trên tổng số 736 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường, chiếm hơn 52% tổng số doanh nghiệp được khảo sát.
Tỷ lệ này thấp hơn so với khảo sát năm 2011 (54%), nhưng vẫn được ghi nhận là năm thứ hai có tỷ lệ đạt chuẩn khi ghi nhận thành tích trên 50% so với toàn thị trường.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp ngày càng nâng cao và đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ cơ bản đối với nhà đầu tư, chú trọng công tác quan hệ nhà đầu tư, hướng tới hoạt động công khai, minh bạch và đối xử công bằng giữa các cổ đông”, báo cáo nhận định.
Ở góc độ nhà đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, đánh giá cơ quan quản lý đã có nhiều hoạt động để tăng cường tính minh bạch, đi cùng đó là hoạt động IR của doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây.
Trên thực tế cũng có những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc, thường là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với tỷ lệ thấp, hoặc doanh nghiệp gia đình nên các công ty này chưa chú trọng tới nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi nhiều công ty đã mở cổng thông tin, tổ chức sự kiện để công bố thông tin cho nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân.
“Ở một số trường hợp, nhiều công ty có thể có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, nhưng vẫn tỏ ra rất cởi mở với các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, bà Thu nhìn nhận.
Còn ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld), một trong những công ty có hoạt động IR thường xuyên, chia sẻ công ty tổ chức sự kiện công bố thông tin riêng dành cho các tổ chức và cho các nhà đầu tư cá nhân trên các nền tảng công khai, cũng như xây dựng nền tảng công bố thông tin để cùng khai thác như nhau.
“Digiworld cố gắng đưa thông tin bình đẳng đến nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, tức thông tin giống nhau trong cùng thời gian”, ông Việt cho biết.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, dường như vẫn còn sự khác biệt khi doanh nghiệp chia sẻ thông tin giữa nhóm nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
Mặt khác, khái niệm nhà đầu tư cá nhân ngày nay cũng cần được xem lại, vì có những nhóm nhà đầu tư quản lý số vốn lớn, lên tới cả 500-1.000 tỉ đồng, cũng được xếp vào nhóm “cá mập”.
“Doanh nghiệp hay chia ra nhiều cuộc gặp khác nhau, nhưng tại sao các nhà đầu tư cá nhân lại là cuối cùng? Ở góc độ IR thì doanh nghiệp không nên tạo khoảng cách nhận thức về mặt thông tin”, ông Tuấn bình luận.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng rơi vào tình huống bị động về mặt thông tin khi lãnh đạo doanh nghiệp phát ngôn vượt quá dự báo của công ty sau đó ko thực hiện được, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM, nêu lên vấn đề. “Chế tài đang kém chỗ này”, ông Năng nhận định.
Chia sẻ câu chuyện này, ông Việt cho biết thực tế hồi giai đoạn năm 2016, Digiworld đã đưa ra kế hoạch nhưng sau đó cảm thấy khó đạt được, nên công bố cập nhật thông tin cho nhà đầu tư và chấp nhận biến động cổ phiếu giảm. Do đó, theo ông Việt, đây là tình huống nên để cho thị trường quyết định, chứ không nên quy định cứng nhắc.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Nhị Năng cho biết Luật Chứng khoán mới đã nâng mức xử phạt, thậm chí thu lại gấp 10 lần số tiền thu lợi bất chính, cùng đó là các chế tài nặng như đình chỉ công ty chứng khoán hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề của nhân viên môi giới.
Tuy nhiên, dù các cơ chế đã có nhưng hiện chưa thực hiện được vì chưa có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Chẳng hạn, luật đã cho phép cơ quan chức năng tiếp cận sao kê về viễn thông của khách hàng nhưng muốn xin thông tin từ công ty viễn thông cũng khó.
Ông Năng cũng lưu ý bất kỳ thị trường nào phát triển mà nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn thì tính bền vững thị trường kém vì tâm lý bầy đàn. “Thị trường vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô lớn, nhưng đi kèm với đó là hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Cần nâng mức xử phạt lên nữa và đào tạo, tuyên truyền về quy định xử phạt để thị trường nắm bắt”, ông Năng nêu quan điểm.
Bên cạnh các đối tượng là nhà quản lý và doanh nghiệp, theo ông Tuấn, vấn đề còn đến từ phía nhà đầu tư khi có một bộ phận nhà đầu tư tham gia chỉ quan tâm đến “tin nóng” và chỉ tìm cách tạo ra tỷ suất lợi nhuận trong vài ngày.
“Thị trường tính đại chúng lên rất cao nhưng lượng kiến thức còn khá thấp nên dao động tâm lý và kỳ vọng thị trường biến động lớn. Điều này tốt cho dài hạn nhưng ngắn hạn thì phải đẩy mạnh tính đào tạo, nâng cao kiến thức. Các nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư”, ông Tuấn khuyến nghị.
Tương tự, đại diện VinaCapital cũng cho rằng các nhà đầu tư không nên xem việc đầu tư chứng khoán là “chơi”, mà phải thực hiện nghiêm túc. “Mọi người nên có tâm lý đầu tư dài hạn, xây dựng danh mục với mục tiêu để lại cái gì đó cho tương lai chứ không phải T+2 rồi rút ra”, bà Thu chia sẻ.
Kết quả Chương trình Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (IR Awards 2022) lần thứ 12 cho thấy 45 doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động IR đáp ứng được bộ tiêu chí, bao gồm thanh khoản cổ phiếu tốt, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tuân thủ các quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ và trả cổ tức, các báo cáo tài chính định kỳ, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên được công bố đầy đủ, đáng tin cậy, có báo cáo phát triển bền vững/ESG, không bị nhắc nhở về quản trị doanh nghiệp… Một điểm đáng chú ý ở kết quả IR Awards 2022 là có nhiều doanh nghiệp vừa nhận
được sự tín nhiệm tuyết đối của cộng đồng nhà đầu tư lẫn định chế tài chính, bao gồm
FPT, FRT, PSI, DGW, TCL.