(KTSG Online) – Lượng khí CO2 thải ra cứ tăng 1% thì lượng vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng tăng theo 0,43%. Tính đến năm 2040, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng và đối mới công nghệ toàn cầu nếu muốn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là 94.000 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn 18.000 tỉ đô la so với tổng mức đầu tư hiện có.
Biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực kéo theo đang là vấn đề đáng báo động trên toàn thế giới và được xem là thách thức sâu xa và lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu khi đem lại những tổn thất kinh tế to lớn. Cụ thể, lượng phát thải CO2 – thước đo tình trạng biến đổi khí hậu – càng lớn đồng nghĩa với việc cần tiêu tốn nhiều tiền hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và đổi mới công nghệ nhằm đối phó hiện trạng này.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm: viễn thông, thủy lợi, giao thông, năng lượng, và xử lý rác thải, chiếm 72% tổng lượng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, những công nghệ được phát minh với mục đích chống lại sự biến đổi khí hậu là các thiết bị tiết kiệm năng lượng hoặc phát thải carbon thấp,…
Giảm thiểu biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng với tăng trưởng xanh là ba yếu tố có mối quan hệ nhân quả với nhau. Đầu tư vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng là cách thức tất yếu giúp các nền kinh tế đối mặt với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần làm giảm lượng phát thải carbon từ các hoạt động kinh tế trong khi giảm phát thải carbon là một điều kiện cốt lõi để đạt được tăng trưởng xanh. Vì vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng do lượng phát thải CO2 không ngừng tăng lên từ các hoạt động kinh tế cũng như quá trình đô thị hóa, kèm theo đó là sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư lớn, các quốc gia nên tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư. Nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bền vững (nhà chống lũ, hệ thống đê chắn, …) cần được huy động cả từ thành phần kinh tế tư nhân và các tổ chức phi chính phủ thay vì chỉ đặt gánh nặng này lên vai nhà nước. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển như Hoa Kì, Nhật Bản và các nước châu Âu, việc đánh thuế môi trường là vô cùng cần thiết bởi nó vừa giúp tiết chế lại các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, vừa đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng vốn đầu tư cho các dự án phát triển bền vững.
Thứ hai, sự phát triển của thị trường vốn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh. Cụ thể, các quốc gia nên dần hình thành thị trường tài chính bền vững, chẳng hạn như thị trường trái phiếu xanh vì đây là các thị trường tài chính giúp huy động vốn nhằm mục đích riêng biệt là cung cấp tiền cho các dự án phát triển bền vững như nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, vận hành hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch, … Bên cạnh phát triển thị trường tài chính chuyên biệt như trên, các quốc gia còn cần đảm bảo thị trường tài chính chung hoạt động hiệu quả, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, để ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, công nghệ cần được chuyển giao cho các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển. Những quốc gia này chủ yếu khai thác và sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo, phát thải nhiều carbon nhưng mức độ phát triển kinh tế – xã hội chưa đủ cao để có thể đầu tư cho các dự án phát triển bền vững. Vì vậy, sự hỗ trợ từ các nước phát triên dưới hình thức chuyển giao công nghệ là giải pháp cho vấn đề này.
Như vậy, đầu tư cho cơ sở hạ tầng bền vững gồm giao thông, năng lượng,… và đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng cho các quốc gia để đạt mục tiêu phát triển xanh, qua đó nhấn mạnh vai trò của thuế môi trường và hợp tác giữa khu vực công và tư cho phát triển bền vững thông qua chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các yếu tố nêu trên đặc biệt được đề xuất là cấp thiết với các nước đang phát triển như Việt Nam và các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội, dân số và chuyển đổi số nhanh chóng, tuy nhiên việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng xanh còn nhiều rào cản và đang trong quá trình phát triển so với các nước đã phát triển như Mỹ, Úc, Anh và khối OECD.
(*) Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Trường Kinh tế tài chính, Đại học Massey, New Zealand, Thành viên mạng lưới Tài chính Ngân hàng (FBNet) và mạng lưới Chính sách kinh tế (EPNet) – AVSE Global
Tài liệu tham khảo:
Trinh, McCord, Lo & Squires (2022). Do green growth and technological innovation matter to infrastructure investments in the era of climate change? Global evidence. Applied Economic.
Khan, Trinh & Ullah (2021). Sustainable economic activities, climate change, and carbon risk: an international evidence. Environment, Development and Sustainability, 24, 9642 – 9664.
Stroebel, J., & Wurgler, J. (2021). What do you think about climate finance?. Journal of Financial Economics, 142(2), 487-498.
Flammer, C. (2021). Corporate green bonds. Journal of Financial Economics, 142(2), 499-516.
Hong, H., Karolyi, G. A., & Scheinkman, J. A. (2020). Climate finance. The Review of Financial Studies, 33(3), 1011-1023.
Tang, D. Y., & Zhang, Y. (2020). Do shareholders benefit from green bonds?. Journal of Corporate Finance, 61, 101427.
Cheng, C., Ren, X., Dong, K., Dong, X., & Wang, Z. (2021). How does technological innovation mitigate CO2 emissions in OECD countries? Heterogeneous analysis using panel quantile regression. Journal of Environmental Management, 280, 111818.
Iqbal, N., Abbasi, K. R., Shinwari, R., Guangcai, W., Ahmad, M., & Tang, K. (2021). Does exports diversification and environmental innovation achieve carbon neutrality target of OECD economies?. Journal of Environmental Management, 291, 112648.
Wang, H., & Wei, W. (2020). Coordinating technological progress and environmental regulation in CO2 mitigation: The optimal levels for OECD countries & emerging economies. Energy Economics, 87, 104510.
IEA (2020), Energy Technology Perspectives 2020, IEA, Paris https://www.iea.org/reports/energy-technology-perspectives-2020.
Zerbib, O. D. (2019). The effect of pro-environmental preferences on bond prices: Evidence from green bonds. Journal of Banking & Finance, 98, 39-60.
Hub, G. I., & Economics, O. (2017). Global infrastructure outlook. Recuperado de https://outlook. gihub. org.