(KTSG Online) – Theo đại diện của Sở Y tế TPHCM, trong bốn tuần gần đây, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế tại TPHCM. Số ca mắc mới Covid-19 trong thời gian vừa qua vẫn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, sau đó tăng lên lại.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện và ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, tính từ đầu tháng 9-2022 đến nay, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế cũng tăng nhanh, có ngày lên đến hơn 180 ca; trong khi ở thời điểm tháng 6-7 vừa qua, số bệnh nhân nặng nhiều ngày dưới 20 ca.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biển chủng gốc. Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang gia tăng và TPHCM cũng không ngoại lệ. Hiện tại, trong bốn tuần gần đây, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế tại TPHCM.
Bà Như cũng cho biết, diễn tiến số ca mắc mới trong thời gian qua vẫn còn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, sau đó tăng lên lại. Vì vậy, người dân vẫn phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan với dịch Covid-19.
Về kế hoạch ứng phó trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện tất cả các bệnh viện đều có khoa điều trị Covid-19. Các bệnh viện cũng theo dõi sát diễn tiến của dịch bệnh. Trường hợp cần thiết thì ngành y tế thành phố sẽ khởi động Bệnh viện dã chiến số 13 theo các kịch bản ứng phó đã được xây dựng sẵn.
Để phòng chống dịch tái bùng phát trở lại, TPHCM cũng đang tăng cường tiêm vaccine để tăng độ bao phủ miễn dịch; đặc biệt tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ, tuyên truyền về nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn).
Về tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, theo Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại, nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm; trong đó tỷ lệ tiêm chủng vaccine nhất là cho trẻ em còn thấp.
Tại TPHCM, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết so với trung bình cả nước, tỷ lệ tiêm vaccine ở nhóm trẻ ở TPHCM từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là thấp hơn 21,8% so với trung bình của cả nước hiện khoảng 56%.
Đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, số mũi tiêm chủng ở nhóm tuổi này cũng thấp hơn 24,3% so với trung bình của cả nước hiện là 59%. Như vậy, hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là thấp hơn khoảng 20% so với tỷ lệ tiêm của cả nước.
Trước tình hình tiêm vaccine còn thấp như hiện nay, bà Nga cho biết ngành y tế thành phố vẫn luôn sẵn sàng để đảm bảo công tác tổ chức tiêm chủng, cung ứng đầy đủ điểm tiêm theo yêu cầu của trường học, các quận huyện trên địa bàn thành phố. Trong suốt tháng cao điểm tháng 8 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức nhiều đợt truyền thông nhằm đảm bảo độ bao phủ vaccine như gửi tin nhắn tiêm chủng; tư vấn tiêm chủng trực tiếp cho phụ huynh và học sinh; biên soạn thư ngỏ cho ngành giáo dục vào năm học mới để chuyển đến từng phụ huynh chưa cho trẻ đi tiêm vaccine ngừa Covid-19…
Ngoài ra, ngày 7-9 vừa qua, Sở Y tế thành phố đã có tờ trình tham mưu với UBND TPHCM đưa tỷ lệ bao phủ vaccine cho các nhóm tuổi vào tiêu chí thi đua trong các quận, huyện và những cơ sở giáo dục.