Các địa phương sốt ruột vì giải ngân vốn đầu tư công đầu năm quá thấp

(KTSG Online) – Giải ngân vốn đầu tư quá thấp, chỉ đạt 0,52% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các sở ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, Hà Nội yêu cầu các sở ngành và quận huyện khẩn trương thực hiện quyết toán dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đầu năm nay của TPHCM rất thấp. Ảnh minh hoạ: Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, một dự án trọng điểm dùng vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Vũ

TPHCM mới chỉ đạt 1% so với kế hoạch được giao

TTXVN dẫn thông tin từ UBND TPHCM cho biết, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 28-2, tổng số vốn giải ngân của TPHCM là 369 tỉ đồng, chỉ đạt 1% so với kế hoạch vốn đã được UBND Thành phố giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương; đạt 0,52% so với tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt được tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM giao các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn trương thực hiện, hoàn thành, báo cáo và đề xuất đúng thời gian yêu cầu các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Cùng với đó, các đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 phải đạt từ 95% trở lên. UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đã được bố trí.

Năm 2023, TPHCM được phân bổ 70.000 tỉ đồng cho vốn đầu tư công. Địa phương cũng đã tổ chức họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Cũng theo TTXVN, về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến hết tháng 1-2023, TPHCM đã giải ngân 26.636 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% so với tổng kế hoạch vốn giao là 37.366 tỉ đồng. Nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 86% trở lên, gồm 63/92 cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án; trong đó, có 9 đơn vị giải ngân từ 80-86%; có 23 đơn vị giải ngân từ 50 – 80% và 31 đơn vị dưới 50%.

Hà Nội nêu tên các đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn nhà nước

Trong một diễn tiến khác, ngày 13-3, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết toán dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Hà Nội cũng nêu đích danh các đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công, yêu cầu hoàn thành hồ sơ phê duyệt trước ngày 31-3.

Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội cho biết, hết năm 2022 trên địa bàn thành phố còn 173 dự án đã hoàn thành nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định, trong đó có 74 dự án cấp thành phố, 89 dự án cấp huyện.

Theo đó, một số đơn vị còn nhiều dự án chậm quyết toán là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (14 dự án cấp thành phố), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội (10 dự án cấp thành phố); UBND huyện Quốc Oai (7 dự án cấp thành phố), UBND huyện Gia Lâm (5 dự án cấp thành phố), UBND huyện Chương Mỹ (2 dự án cấp thành phố, 27 dự án cấp huyện), UBND huyện Phú Xuyên (3 dự án cấp thành phố, 14 dự án cấp huyện).

Một số đơn vị còn tồn đọng dự án chậm quyết toán kéo dài từ các năm trước: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội 7/14 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội 4/10 dự án, UBND huyện Quốc Oai 4/07 dự án.

Để công tác quyết toán dự án được đảm bảo hoàn thành đúng quy định, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công ngân sách cấp thành phố thực hiện việc lập, trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án đã hoàn thành.

Đồng thời UBND thành phố lưu ý các ban, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý, thanh, quyết toán, tạm ứng, thu hồi tạm ứng, công nợ; thu hồi ngay những khoản tồn đọng, chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thực hiện tất toán tài khoản của dự án đã phê duyệt theo quy định.

Công khai tình hình quyết toán, tổng hợp danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để công khai trên báo, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành, gửi về Sở Tài chính trước ngày 31-3 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.

UBND thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoàn thành của dự án theo đúng quy định và gửi quyết định phê duyệt quyết toán cho chủ đầu tư để tổng hợp chung khi quyết toán toàn bộ dự án.

Ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm công nợ của các dự án sau khi được phê duyệt quyết toán; chỉ đạo chủ đầu tư kịp thời lập hồ sơ thanh toán, thu hồi các khoản công nợ theo quyết định phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh số dự án đang thẩm tra, thực hiện tất toán tài khoản, đóng mã dự án theo quy định và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành trước ngày 31-3 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.